Lựa chọn mục tiêu ưu tiên nào trong năm 2015?
Đang có quan điểm cho rằng, trong kế hoạch năm 2015, một mặt cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, nhưng vẫn phải coi “ổn định kinh tế vĩ mô” là mục tiêu ưu tiên. Quan điểm này xuất phát từ vai trò quan trọng của việc ổn định kinh tế vĩ mô.
Mục tiêu tổng quát trong Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội năm 2015 của Chính phủ là: “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014…”.
Mục tiêu trên có thể tóm tắt với 2 nội dung quan trọng: “ổn định kinh tế vĩ mô” được xếp thứ nhất; các mục tiêu còn lại, trong đó có tăng trưởng kinh tế được xếp thứ hai. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, yêu cầu thì rộng dài, việc trải rộng mục tiêu ưu tiên ra quá nhiều lĩnh vực là không có tính khả thi. Vì vậy, việc lựa chọn mục tiêu ưu tiên là rất cần thiết.
Hiện có hai loại ý kiến khác nhau về sự lựa chọn mục tiêu ưu tiên. Có ý kiến nhất trí với lựa chọn của Chính phủ. Có ý kiến cho rằng, thời gian tới, không nên quá nhấn mạnh mục tiêu “giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô”, mà nên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, cho doanh nghiệp và người dân.
Người viết cho rằng, trong Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội năm 2015, cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, nhưng vẫn phải coi “ổn định kinh tế vĩ mô” là mục tiêu ưu tiên. Quan điểm này xuất phát từ ba căn cứ.
Căn cứ thứ nhất xuất phát từ vai trò quan trọng của ổn định kinh tế vĩ mô đối với tăng trưởng. Sự ổn định của kinh tế vĩ mô không chỉ là điều kiện để tăng trưởng về số lượng (nếu kinh tế vĩ mô không ổn định thì đến tăng trưởng với tốc độ như cũ cũng không đạt được); ổn định kinh tế vĩ mô còn quan trọng hơn là điều kiện để tăng trưởng có chất lượng và bền vững.
Muốn tăng trưởng về số lượng thì không khó, nếu tăng lượng vốn đầu tư bằng đi vay, tăng bội chi ngân sách, tăng nợ công; tăng khai thác tài nguyên thiên nhiên để xuất khẩu, tăng nhập khẩu để sản xuất. Song nếu tăng trưởng theo số lượng như trên, thì sẽ không có chất lượng và không bền vững, sẽ phá vỡ ổn định kinh tế vĩ mô, phá vỡ các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có bội chi ngân sách, tăng nợ công, tăng tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách, tăng lạm phát, tăng nhập siêu…
Tăng trưởng số lượng có thể không cao, nhưng nếu trên cơ sở ổn định vĩ mô thì sẽ có chất lượng và bền vững. Bài học ở trong nước và trên thế giới đã cho thấy, đích cuối cùng sẽ đạt được không phải bằng tốc độ tăng rất cao nhưng nhất thời trong ngày hôm nay, mà phải bằng sự bền vững của tốc độ tăng, tuy không thật cao trong dài hạn.
Căn cứ thứ hai, ổn định kinh tế vĩ mô phù hợp nhất với chức năng của Nhà nước giữ vai trò kiến tạo môi trường; bàn tay hữu hình góp phần hạn chế các tác động tiêu cực, hướng các tác động tích cực của bàn tay vô hình vào nền kinh tế.
Căn cứ thứ ba xuất phát từ hiện trạng và yêu cầu của sự ổn định kinh tế vĩ mô. Về mặt này, thời gian qua, đã đạt nhiều kết quả tích cực, như CPI tăng thấp năm thứ ba liên tiếp; chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu, cán cân thanh toán có số dư và dự trữ ngoại hối đạt mức cao nhất từ trước tới nay; tỷ lệ đầu tư/GDP ngang bằng tỷ lệ tích lũy/GDP…
Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế còn những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ. Hạn chế/bất cập lớn nhất thể hiện ở hai cấp độ: còn ở trạng thái thấp và chưa vững chắc, diễn ra khi tổng cầu yếu. Thách thức lớn nhất là cân đối ngân sách khó khăn, nợ công vừa tăng nhanh, vừa đã ở mức cao, vừa thời gian ngắn lại so với trước, vừa đã xuất hiện vay để đảo nợ, trả nợ; tiếp đến là nợ xấu cao, xử lý còn chậm.
Tất nhiên, ý kiến thứ hai cũng rất quan trọng, bởi Nhà nước không chỉ quan tâm đến vĩ mô, mà phải quan tâm đến vi mô; không chỉ tạo hành lang pháp lý cho vi mô hoạt động và thanh, kiểm tra để tạo ra sự bình đẳng cho các doanh nghiệp trên thị trường, mà còn phải có chính sách vĩ mô để hỗ trợ cho vi mô.
Ngoài các nội dung trên, các chính sách vĩ mô cần quan tâm là: việc phân bố nguồn lực của đất nước về đất đai, vốn đầu tư… phải được công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ và có sự tham gia của các loại hình kinh tế; tài chính thì thu lấy mà chi, nhưng phải khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu, phải bảo đảm 3 nguyên tắc cột trụ như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu (tăng chi lương không cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động, tốc độ tăng chi an sinh xã hội cao hơn tốc độ tăng thu ngân sách, tốc độ tăng chi thường xuyên cao hơn tốc độ tăng chi đầu tư phát triển); ngân hàng thì đi vay mà cho vay, sẽ hạn chế nợ xấu và dễ xử lý nợ xấu; ngăn chặn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, trốn thuế, chuyển giá…
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt