Kinh tế Việt Nam sẽ sáng hơn trong năm 2014
Ông Simon Andrew, Giám đốc khu vực của Công ty Tài chính quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào, cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ sáng hơn trong năm 2014, song muốn củng cố đà tăng trưởng, Việt Nam phải có một hệ thống ngân hàng vững mạnh, đủ sức cấp vốn hiệu quả.
Thưa ông, bước vào năm mới, người Việt Nam luôn kỳ vọng những điều tốt đẹp cho nền kinh tế. Còn ông, ông đánh giá thế nào về kinh tế Việt Nam năm 2014?
Vẫn phải đối mặt với sự suy giảm kinh tế toàn cầu và các vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng và bất động sản, nhưng viễn cảnh cho kinh tế Việt Nam trong đầu năm 2014 này là rất tốt. Môi trường kinh tế toàn cầu đang dần cân bằng hơn, nhu cầu nội địa tăng lên và Việt Nam đang tích cực đàm phán một loạt hiệp định quan trọng, như Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và ASEAN+6. Tất cả những điều đó cho thấy, kinh tế Việt Nam sẽ sáng hơn trong năm 2014 và trong tương lai.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn bước ra khỏi khó khăn. Gánh nặng về các khoản nợ xấu vẫn còn trong lĩnh vực ngân hàng. Tính không hiệu quả cũng như sự thiếu minh bạch của khu vực doanh nghiệp nhà nước còn là “cơn gió mạnh” đi ngược lại với đà tăng trưởng.
Mặc dù vậy, chúng tôi đã nhìn thấy những bước đi tích cực của Việt Nam trong giải quyết nợ xấu, chẳng hạn việc thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) năm ngoái.
Quy định mới về việc tăng sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng trong nước cũng sẽ có những tác động tích cực. Đây có thể coi là một phần của kế hoạch tái cấu trúc toàn diện hệ thống ngân hàng.
Trong bối cảnh đó, theo ông, Việt Nam sẽ phải làm gì để vượt qua những thách thức, khó khăn hiện nay, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn trong năm 2014?
Năm 2013 là một năm quan trọng với Việt Nam. Kinh tế vĩ mô đã được cải thiện hơn, với sự ổn định của đồng tiền, dự trữ ngoại tệ tốt hơn và tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đã hồi phục. Trong khi đó, thị trường chứng khoán đã có những bước tiến vững chắc. Tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng đã đạt mức khá (5,42%) trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều khó khăn.
Năm 2014, nếu Việt Nam muốn củng cố tăng trưởng kinh tế bằng tiêu dùng nội địa và sự hồi phục của hệ thống doanh nghiệp, thì cần phải có một hệ thống ngân hàng vững mạnh, đủ sức cấp vốn một cách hiệu quả.
Với khu vực doanh nghiệp nhà nước thì sao, thưa ông?
Khối doanh nghiệp nhà nước hiện còn là rào cản đối với tăng trưởng kinh tế, nếu như họ vẫn tiếp tục hoạt động kém hiệu quả. Chúng tôi đã nhìn thấy một vài tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước trong năm 2013, với việc một số tập đoàn tập trung thoái vốn khỏi lĩnh vực kinh doanh không cốt lõi và tiến tới cổ phần hóa, đồng thời, tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm giải trình. Điều này cần tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2014.
IFC được biết đến tại Việt Nam như là một trong những tổ chức hỗ trợ khá hiệu quả cho các doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2014, IFC có tiếp tục sứ mệnh này?
Một trong những vấn đề tập trung của IFC tại Việt Nam vẫn là hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam.
Việt Nam hiện đã có nhiều doanh nhân có tầm cỡ quốc tế. Nhiều doanh nhân đã thành công trong việc xây dựng và phát triển những lĩnh vực kinh doanh sáng tạo trong bối cảnh kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn. Các doanh nhân này đã phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp của mình, tạo việc làm, mở thị trường mới và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đây chính là tương lai của Việt Nam trong thế giới toàn cầu hóa. Nếu năng lực của họ được khai thác hết, thì họ chính là những người sẽ phát triển một nền kinh tế Việt Nam đầy năng động và sáng tạo trong tương lai.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt