Kinh tế trong tuần: Nâng tầm năng lực cạnh tranh quốc gia
Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tiêu thụ nông sản, chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu… là những vấn đề kinh tế nổi bật trong tuần qua.
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Vấn đề gì thuộc về Bộ thì Bộ phải xử lý cụ thể. Vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Thủ tướng thì trình Thủ tướng quyết định; vấn đề gì thuộc về Chính phủ thì trình Chính phủ quyết định; còn vấn đề gì thuộc về luật pháp thì Chính phủ sẽ cân nhắc, xem xét để trình Quốc hội quyết định với tinh thần là tạo mọi thuận lợi để có môi trường kinh doanh tốt hơn, thuận lợi hơn cũng như để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của sản phẩm, của nền kinh tế Việt Nam.
* Tại phiên chất vấn trước Quốc hội sáng 13/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các Nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Phấn đấu đến hết năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt và vượt mức trung bình của ASEAN 6 và đến hết năm 2016 một số tiêu chí đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4.
Tiếp tục câu chuyện quả vải
Trong khi vấn đề nông sản tiếp tục làm nóng những phiên chất vấn tại nghị trường thì cũng bắt đầu xuất hiện những tín hiệu khởi đầu tốt đẹp cho một vụ vải thành công.
Tối 10/6, lô vải quả tươi đầu tiên từ Việt Nam đã được đưa đến Canada bằng đường hàng không. Do đáp ứng được tiêu chuẩn nhập khẩu và những yêu cầu của Cơ quan thanh tra thực phẩm Canada (CFIA), những quả vải thiều “ngọt, cùi dày, hạt nhỏ, vỏ mỏng” theo lời một doanh nhân nhiều năm nhập sản phẩm này vào Canada đã tới được tay người dân nơi đây.
Tuy nhiên, cũng theo doanh nhân này, do giá vận chuyển cao nên giá bán lẻ tại Canada cũng khá cao. Do đó, bên cạnh chất lượng tốt thì cần tính toán làm sao để cước vận chuyển thấp hơn thì sản phẩm mới cạnh tranh được.
* Cũng liên quan tới quả vải, theo đăng ký của các đơn vị đầu mối với Sở Công Thương TPHCM, dự kiến sản lượng vải thiều tiêu thụ tại đây sẽ đạt khoảng 80.000 tấn. Như vậy, với sản lượng cả nước được dự báo vào khoảng 200.000 tấn, riêng TPHCM đã tiêu thụ được khoảng 40% lượng vải thiều.
* Và đến lượt ngành du lịch cũng vào cuộc góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân. Trong tuần, Tổng cục Du lịch đã kêu gọi và đề nghị các cơ sở lưu trú, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, nhà hàng phục vụ khách du lịch ưu tiên và tăng cường việc sử dụng sản phẩm nông, thủy sản Việt Nam vào thực đơn; các dịch vụ phục vụ khách du lịch tổ chức thêm quầy bán hoa quả, các sản phẩm nông nghiệp.
Tổng cục cũng yêu cầu các công ty lữ hành tăng cường giới thiệu, bán nông sản làm quà cho khách du lịch trong các chuyến đi.
Không chỉ góp phần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, việc làm này của ngành du lịch sẽ giúp cho khách du lịch trong nước và quốc tế được thưởng thức đặc sản các vùng miền trong cả nước, tăng chất lượng dịch vụ.
Chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu
Lý giải về tình trạng chênh lệch số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước được các đại biểu Quốc hội nêu lên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết ở đây có sự khác biệt trong cách tính số liệu giữa các nước.
Ông Vinh cho biết chênh lệch là do cách tính số liệu xuất nhập khẩu của các quốc gia rất khác nhau và phức tạp. Vì vậy, hầu hết số liệu xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước đều có chênh lệch chứ không riêng với Trung Quốc.
Trong trường hợp chênh lệch cụ thể với Trung Quốc, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu ra 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất là do thống kê, cách tính toán giá trị hàng hóa các nước rất khác nhau.
Thứ hai, hàng hóa xuất qua đường tiểu ngạch được hải quan làm thủ tục đầy đủ nhưng Trung Quốc không tính giá trị xuất khẩu qua đường tiểu ngạch.
Thứ ba là do cách tính giá trị xuất khẩu khác nhau theo quy tắc xuất xứ hàng hóa (C/O) được áp dụng tại mỗi nước. Theo đó hàng Trung Quốc xuất sang Việt Nam được tính giá cao lên còn hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc bị tính thấp đi.
Đề xuất xây tuyến cao tốc TPHCM-Mộc Bài
Trong tuần, Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long vừa có đề xuất Bộ GTVT đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc TPHCM-Mộc Bài (Tây Ninh) theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) với tổng chiều dài là 84,5. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến gần 30.000 tỷ đồng (khoảng 1,36 tỷ USD).
Nếu được Bộ GTVT phê duyệt và chấp thuận, dự án sẽ bắt đầu thi công từ quý I/2018 và bắt đầu khai thác vào quý 1/2021 (trong 36 tháng). Việc xây dựng đường cao tốc này nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải khi tuyến quốc lộ 22 đoạn TPHCM-Mộc Bài sẽ hết công suất khai thác và trở nên quá tải vào năm 2016.
* Liên quan tới việc huy động vốn ngoài Nhà nước đầu tư vào đường bộ, tại phiên chất vấn của Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong điều kiện nguồn lực đầu tư công còn hạn hẹp trong khi nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng còn rất lớn, cần đa dạng hóa các hình thức, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng.
Trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến huy động vốn ngoài Nhà nước khoảng 171 nghìn tỷ đồng đầu tư vào đường bộ, khoảng 44 nghìn tỷ đồng vào kết cấu hạ tầng hàng hải, 13 nghìn tỷ đồng vào kết cấu hạ tầng vào đường thủy nội địa, 45 nghìn tỷ đồng vào các cảng hàng không và 14 nghìn vào các nhà ga, kho bãi, dịch vụ đường sắt.
WB nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam
Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu vừa được công bố hôm 11/6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng mức dự báo về tăng trưởng của Việt Nam thêm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1/2015, lần lượt lên mức 6% cho năm 2015 và 6,2% cho năm 2016, và cho năm 2017 là 6,5% (so với mức dự báo 6% trước đó).
Theo WB, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khả quan nhờ sự tăng trưởng mạnh của ngành sản xuất, xuất khẩu và đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, WB đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển từ 4,8% xuống còn 4,4%. WB cũng giảm mức dự báo cho năm 2016, từ 5,3% xuống còn 5,2%, và giữ nguyên mức dự báo 5,4% cho năm 2017.
WB cho rằng các nước đang phát triển phải đối mặt với một loạt các thách thức nghiêm trọng trong năm 2015 như chi phí vốn vay có khả năng sẽ tăng trong khi giá dầu và giá hàng hóa sắp bước vào một đợt suy giảm mới.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt