Thứ Sáu, 15/09/2023 16:01:19 (GMT+7)

Kinh tế chặng cuối năm 2023: Ưu tiên thực hiện mục tiêu tăng trưởng

Nền kinh tế đã đi qua gần 3/4 chặng đường của năm 2023 và giờ đây, nhiệm vụ lớn nhất là làm sao đạt được mức cao nhất có thể mục tiêu tăng trưởng 6,5%.

Kinh tế chặng cuối năm 2023: Ưu tiên thực hiện mục tiêu tăng trưởng

Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động xuất khẩu và mua hàng đều đã tăng trở lại ( Ảnh: Đức Thanh)

“Lỡ hẹn” 4 chỉ tiêu kinh tế – xã hội

Con số cuối cùng chỉ được chốt vào những ngày cuối năm, nhưng ở thời điểm này, bức tranh toàn cảnh của kinh tế Việt Nam trong năm 2023 đã được khắc họa khá rõ nét. Báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2023 mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự ước, có 10/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 sẽ đạt mục tiêu đề ra; 4 chỉ tiêu không đạt và 1 chỉ tiêu – tăng trưởng GDP – vẫn đang được “để ngỏ”. Với riêng chỉ tiêu này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ phấn đấu đạt mức cao nhất có thể.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc vẫn có 10/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội đạt mục tiêu đề ra là một nỗ lực lớn. Tuy vậy, các chỉ tiêu không đạt, bao gồm GDP bình quân đầu người; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP; tốc độ tăng năng suất lao động; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội, đều là các chỉ tiêu quan trọng, phản ánh “sức khỏe” của nền kinh tế. Chưa kể, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay đang là một thách thức lớn. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mặc dù nhận định rằng, nền kinh tế đang dần lấy lại đà tăng trưởng, quý sau cao hơn quý trước, tạo đà cho quý III và cả năm, song cũng rất thẳng thắn cho biết, khó khăn không thể chuyển biến nhanh trong “một sớm, một chiều”.

Có nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô 8 tháng cho thấy, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với khó khăn rất lớn. 8 tháng, xuất khẩu vẫn giảm 10%, nhập khẩu giảm 16,2%; Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) vẫn giảm 0,4% so với cùng kỳ… Trong khi đó, tín dụng vẫn tăng thấp; số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động vẫn tăng cao… Chưa kể, tăng trưởng đầu tư của doanh nghiệp đang chậm lại, thiếu các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo quy mô lớn. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới tăng trưởng trong ngắn hạn, mà còn cả trong tăng năng lực cho nền kinh tế trong trung và dài hạn…

Thực tế, sau khi con số tăng trưởng nửa đầu năm 3,72% được công bố, nhiều dự báo cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay khó có thể đạt mục tiêu đề ra. Đơn cử, trong báo cáo kinh tế vĩ mô cập nhật tháng 8/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 4,7% trong năm nay.

Dù xác định là khó khăn, song Chính phủ Việt Nam vẫn quyết tâm nỗ lực để đạt mức cao nhất. Trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2023, vừa được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, chú trọng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất – kinh doanh…

Phan Thị Ngọc Ánh