Kiểm soát chặt lạm phát ngay từ đầu năm 2023
Mục tiêu giữ lạm phát dưới 4% năm 2022 chắc chắn hoàn thành, nhưng việc kiểm soát Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) năm 2023 là một thách thức.
“Áp lực đè lên lạm phát năm 2023 vô cùng lớn, phải kiểm soát thật chặt ngay từ những tháng đầu năm”, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) nhấn mạnh.
Thưa bà, liệu mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay có thực hiện được không?
CPI 11 tháng của năm 2022 mới tăng 3,02%, chỉ còn gần 1 tháng nữa là kết thúc năm, nên có thể khẳng định, năm nay chắc chắn kiểm soát được lạm phát dưới 4%.
Có được kết quả này là nhờ Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội nhằm chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng trên toàn cầu, đặc biệt tại những nền kinh tế phát triển. Ngoài ra, còn do kiểm soát được dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm nguồn cung nên giá thịt lợn giảm 12,22% so với cùng kỳ năm ngoái, góp phần làm CPI chung giảm 0,41%, cộng với giá nhà ở thuê giảm 4,64% cũng làm CPI chung giảm 0,02%.
Nếu không nhờ những yếu tố trên thì lạm phát năm nay chắc chắn sẽ rất cao, bởi mặc dù giá bán lẻ xăng dầu đã giảm trong thời gian gần đây, song tính chung trong 11 tháng của năm nay, giá mỗi lít xăng A95 tăng 490 đồng, xăng E5 tăng 120 đồng, dầu diesel tăng 7.230 đồng, dầu hỏa tăng 8.130 đồng, bình quân 11 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu vẫn tăng tới 31,76%, tác động làm CPI tăng 1,14%.
Theo bà, những giải pháp quyết liệt nào của Chính phủ và các bộ, ngành đã góp phần kiểm soát lạm phát rất ấn tượng trong năm 2022?
Đó là việc giảm thuế giá trị gia tăng cho tuyệt đại đa số hàng hóa, dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 1/2/2022; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động…
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có tác động lớn tới CPI được kiểm soát giá chặt chẽ. Cụ thể, trong năm học 2021-2022, nhiều địa phương thực hiện miễn, giảm học phí để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch. Đối với giá dịch vụ y tế, nếu thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh theo đúng lộ trình thì năm 2021 phải hoàn thành việc tính đủ các loại chi phí theo quy định của pháp luật về giá. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này đến nay chưa hoàn thành cũng góp phần kiềm chế tốc độ tăng của CPI.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chủ động đề xuất chưa tăng giá điện trong năm nay, mặc dù chi phí đầu vào của ngành này như giá xăng dầu, giá than đều đã tăng rất cao. Đây là sự chia sẻ rất kịp thời, rất có ý nghĩa của ngành điện, mặc dù EVN cũng là doanh nghiệp.
Tất cả những chính sách kể trên sẽ hết hiệu lực kể từ đầu năm 2023 (trừ việc tăng giá điện). Thưa bà, đây là áp lực rất lớn tác động lên CPI của năm tới?
Ngay từ đầu năm 2023, tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ được hưởng thuế giá trị gia tăng 8% sẽ quay trở về mức 10%; 37 loại phí và lệ phí được giảm cũng hết thời hạn giảm và phải quay trở lại mức phí cũ. Thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu cũng hết thời hạn giảm. Như vậy, kể từ ngày 1/1/2023, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng sẽ là 4.000 đồng/lít; dầu là 2.000 đồng/lít, thay vì 1.000 đồng/lít và 500 đồng/lít như hiện nay, theo đó, giá xăng dầu sẽ tăng tương ứng nếu không có các giải pháp khác. Thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay cũng tương tự, khiến giá vận chuyển hàng không tăng lên.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh đã quay trở lại trạng thái bình thường thì sự vận hành phải tuân theo quy luật thị trường. Những mặt hàng do Nhà nước định giá cũng sẽ chấm dứt thời gian kìm hãm sự tăng giá, theo đó, học phí, viện phí và giá bán lẻ điện cũng sẽ được điều chỉnh tăng, gây áp lực lên lạm phát rất lớn. Trong tháng 11 vừa qua, CPI lên mức 4,37% so với cùng kỳ năm 2021, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2014 (ngoại trừ năm 2016 tăng 4,52%) có nguyên nhân chính là kể từ năm học 2022-2023 một số địa phương tăng học phí đã khiến chỉ số giá giáo dục tăng tới gần 11%.
Còn đối với giá điện bán lẻ, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ giá điện tăng 10% sẽ tác động làm CPI tăng 0,33%. Nếu EVN tăng giá điện trong năm sau thì tác động tăng CPI rất lớn.
Nhưng có thuận lợi là giá xăng dầu và nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào trên thị trường thế giới đang trên đà giảm, thưa bà?
Giá nguyên, nhiên, vật liệu, trong đó có xăng dầu giảm trong thời gian qua chủ yếu do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, nhu cầu giảm xuống, đặc biệt là Trung Quốc áp dụng chính sách Zero Covid. Nhưng sắp tới, Trung Quốc thay đổi cách chống Covid-19, không quyết liệt giãn cách, bế quan tỏa cảng như đã từng làm, sẽ khiến nhu cầu nguyên, nhiên, vật liệu và cả xăng dầu tăng trở lại vì đây là nền kinh tế tiêu thụ nguyên, nhiên, vật liệu lớn nhất thế giới.
Lạm phát ở khu vực EU, Hoa Kỳ và các nền kinh tế lớn trong tháng 11 đã có xu hướng giảm dần, nên các nước sẽ giảm và đi đến chấm dứt tăng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, khiến nhu cầu nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất tăng lên.
Hiện khoảng 93% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam là nguyên, nhiên, vật liệu. Khi những mặt hàng này trên thị trường thế giới tăng sẽ đẩy chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm tăng, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên, tạo áp lực cho lạm phát.
EU và G7 đang áp trần giá dầu của Nga. Động thái này góp phần giảm giá xăng dầu, cũng là cơ hội góp phần kiểm soát lạm phát đối với Việt Nam?
Giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm trong ngắn hạn, nhưng rủi ro tăng trở lại là khá cao do xung đột Nga – Ukraine vẫn tiếp diễn. Theo tôi biết, giá trần mà EU và G7 định áp còn cao hơn giá Nga đang bán ra. Nếu EU và G7 hạ giá trần thì Nga sẽ không bán nữa, dẫn đến thiếu hụt mặt hàng này trên toàn cầu, toàn bộ nền kinh tế thế giới sẽ “lãnh đủ”.
Hơn nữa, Nga là đối tác và có tiếng nói rất quan trọng trong OPEC. Khi giá xăng dầu giảm, ngay lập tức OPEC giảm sản lượng khai thác để giữ giá xăng dầu ở mức cao, tạo gánh nặng lên chi phí sản xuất và là tác nhân gây ra lạm phát trên toàn cầu cũng như Việt Nam trong năm tới.
Tóm lại, có rất nhiều yếu tố tác động lên lạm phát trong năm 2023, vì vậy, để kiểm soát được lạm phát khoảng 4,5% vào năm tới thì phải quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt