Không nước nào không muốn thu hút FDI
Trong phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế-xã hội chiều 8/6, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng khối doanh nghiệp FDI đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam trong 20 năm qua.
Cần đánh giá đúng về doanh nghiệp FDI
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ với tâm tư của các đại biểu Quốc hội rằng Việt Nam chưa quan tâm đúng mức đến sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, trong khi hoạt động của doanh nghiệp FDI còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, cần có cái nhìn đúng đắn về tầm quan trọng của khối doanh nghiệp này.
Khi Thủ tướng ký Hiệp định Thương mại tự do với 5 nước của Liên minh Kinh tế Á-Âu, những quốc gia này đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang có tăng trưởng rất mạnh và giữ một vị trí đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á và châu Á. Ông Vinh chia sẻ: “Họ đề nghị Quốc hội, Chính phủ Việt Nam mở cửa, nhưng bản thân họ cũng mở cửa và mong muốn chúng ta đầu tư vào nước họ.”
Mặt khác, việc ký kết các hiệp định này cũng đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong nước, như một loạt thuế suất sẽ về mức 0% cho hàng dệt may, thủy sản. Đây là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh rất lớn.
Ngoài ra, ông Vinh cho rằng nếu hạn chế nguồn vốn FDI thì nền kinh tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
“Một dự án như của Samsung có thể giải ngân đến 11,3 tỷ USD và sẽ còn tiếp tục. Nó cũng tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động, lương bình quân 4-10 triệu đồng/người”, Bộ trưởng dẫn chứng. Do đó, không thể phủ định những tác động tích cực cho nền kinh tế của doanh nghiệp FDI.
“Không một nước nào không mong muốn thu hút FDI. Đúng là tỷ trọng của doanh nghiệp FDI trong kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam chiếm khá lớn. Câu hỏi đặt ra là làm sao để doanh nghiệp trong nước phát triển lên”, ông Vinh nói.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói rằng cá nhân ông “rất vui” khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được đưa vào soạn thảo. Ông hy vọng Luật này sẽ sớm được thông qua, tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho nhóm doanh nghiệp này.
Mọi dự đoán đều khó chính xác
Trước ý kiến của một số đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ vấn đề chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong năm 2014 được dự báo là 7%, vào tháng 10 thì điều chỉnh 4,6% trong khi kết thúc năm chỉ số này chỉ là 1,84%; Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết “dự báo vẫn là dự báo thôi, không thể chính xác hoàn toàn được”.
Lý giải về vấn đề này, ông Vinh cho rằng các quốc gia và tổ chức quốc tế thường chỉ dự báo tăng trưởng trong quý rồi sau đó thay đổi, trong khi chúng ta thường lập kế hoạch cho hơn 1 năm. Trong một thế giới đầy biến động về kinh tế, chính trị thì điều này “rất khó”.
Về con số dự báo CPI, ông Vinh cho rằng “không có gì bất thường cả”. Người đứng đầu Bộ KH&ĐT giải thích rằng, đặt ra con số 7% bởi vì tỷ trọng công nghiệp lắp ráp, gia công rồi xuất khẩu trong kết cấu nền kinh tế của Việt Nam là rất lớn và phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu. Bởi vừa phải ổn định mức lạm phát đồng thời đảm bảo tăng trưởng của nền kinh tế, nên mức lạm phát từ 5-7% là hợp lý.
Tuy nhiên, trong năm 2014, nông nghiệp được mùa, giá cả rất ổn định và không tăng kể cả vào dịp giáp Tết Nguyên đán. Hơn nữa, dịch vụ công và giá điện cũng không thực hiện tăng trong quý IV. Những điều đó cộng hưởng lại, tạo nên mức tăng CPI chỉ 1,84%.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt