Thứ Tư, 25/03/2015 13:53:14 (GMT+7)

Không nên “kêu ca”, DN cần tích cực tham gia

Doanh nghiệp không nên kêu ca, phàn nàn, mà đây là lúc doanh nghiệp cần tích cực tham gia vào việc xây dựng thể chế.

Đây là ý kiến của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi đánh giá về những hoạt động cải cách của các Bộ, ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ tại cuộc phỏng vấn của Báo điện tử Chính phủ.

Với tư cách là người đứng đầu VCCI – tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam, ông có đánh giá gì về việc triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ của các Bộ, ngành từ năm 2014 đến nay?

Ông Vũ Tiến Lộc: Qua quan sát việc thực hiện, tôi nhận thấy hai thái cực. Có những Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt, thậm chí vượt mức. Cụ thể, hiện nay việc cải thiện thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN), hay việc thực hiện các thủ tục thuế, hải quan, tiếp cận điện năng… ở một số địa phương, cơ sở làm tốt; thậm chí thủ tục đăng ký thành lập DN chỉ mất 3 ngày chứ không phải 6 ngày.

Ngược lại, cũng có những địa bàn, những nơi còn trì trệ. Như vậy, trong một thể chế chung nhưng có những cơ quan, địa phương thực hiện tốt hơn mục tiêu đề ra và có những cơ quan, địa phương thực hiện chưa tốt.

Nếu như tất cả công chức trong bộ máy chính quyền ở các địa phương thực hiện với tinh thần sáng tạo, tích cực thì có thể đạt, thậm chí vượt yêu cầu đề ra trong Nghị quyết 19.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, ngành Thuế và Hải quan đang đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ trong việc cắt giảm thủ tục, giảm thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính.

Trên thực tế, đây là một trong số ít các ngành thường xuyên đối thoại lắng nghe ý kiến DN trong khi tiến hành đổi mới, cải cách ngành mình. VCCI cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan đó để tiến hành điều tra xã hội độc lập, phản ánh sự hài lòng của doanh nghiệp đối với chất lượng công vụ cán bộ thuế, hải quan.

Các đơn vị này cũng là đơn vị đi đầu trong việc đề xuất sửa đổi Luật, đơn giản hóa các Thông tư, thúc đẩy cải cách hành chính, môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19 của Chính phủ.

Việc triển khai cải cách bằng một Luật sửa nhiều Luật, một Thông tư sửa nhiều Thông tư cũng là một hướng đi đúng. Bất cứ điều gì bất cập có thể sửa ngay, tránh tình trạng như trước đây là sau khi rà soát mới phát hiện ra vướng mắc ở Luật nhưng phải chờ quy trình sửa đổi khá lâu.

Đây cũng là những ngành đi đầu ứng dụng công nghệ thông tin, bình đẳng hóa mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan công quyền. Đến nay, có tới hơn 90% DN kê khai thuế và hải quan qua phương thức điện tử.

Theo tôi, sự thay đổi, cải cách của những đơn vị trên là kinh nghiệm tốt trong nỗ lực đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp. Cần phải nhân rộng kinh nghiệm, điển hình tốt nhất trong cả nước nhằm góp phần thực hiện được mục tiêu đặt ra.

Thưa ông, làm sao để gắn kết 2 mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh với nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong Nghị quyết số 19 NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 – 2016?

Ông Vũ Tiến Lộc: Trước hết, điểm mới của Nghị quyết 19 năm 2015 so với Nghị quyết 19 năm 2014 là việc gắn nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh theo xếp hạng của WB với việc nâng cao năng lực cạnh tranh theo xếp hạng của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF).

Theo tôi, việc cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ chủ động, đỡ phức tạp hơn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Vì thứ hạng năng lực cạnh tranh gia phụ thuộc nhiều yếu tố, môi trường quốc tế, nội lực, thể chế và đặc biệt là nội lực doanh nghiệp. Theo tôi, việc nâng nội lực DN để bắt kịp, tận dụng môi trường kinh doanh đang mở ra là yêu cầu bức thiết.

DN Việt Nam hiện nay phần lớn là nhỏ và siêu nhỏ, chỉ có 4% DN hiện nay là có quy mô đủ lớn. Hiện tại đang thiếu những DN cỡ vừa, đủ lớn. Trong khi để đạt tầm cỡ đủ lớn, doanh nghiệp ở các nước chứ không riêng gì Việt Nam cần có thời gian để tích lũy. Chúng ta đang trong quá trình hội nhập, nên phải kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu.

DN quá nhỏ và siêu nhỏ sẽ không đủ sức kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu do hạn chế về năng lực quản trị và công nghệ.

Chỉ có doanh nghiệp cỡ vừa mới có thể trở thành mắt xích kết nối nền kinh tế Việt Nam với thế giới. Do đó, cần có giải pháp, biện pháp không chỉ nhằm tạo thuận lợi cho việc thành lập DN mới, mà còn hỗ trợ thuận lợi để DN “lớn lên”. Từ đó, Việt Nam có lực lượng DN cỡ vừa hùng hậu cùng với DN lớn kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu, để có thể lan tỏa đến bộ phận DN nhỏ và siêu nhỏ trong nền kinh tế.

Riêng về doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), tốt nhất cũng phải đặt trong môi trường kinh doanh bình đẳng. Đồng thời, cần hạn chế sự can thiệp quá nhiều của cơ quan chủ quản vào doanh nghiệp. Không nên “lẫn lộn” chức năng chủ sở hữu và quản lý. Cơ quan quản lý cạnh tranh phải có sự độc lập, không thể thuộc Bộ, ngành nào có chức năng chủ quản, là chủ sở hữu của các DNNN.

Chính phủ đã đi tiên phong việc đưa ra chuẩn mực tiên tiến nhất của ASEAN, đề ra các bước đột phá để đạt chuẩn mực tiên tiến đó. Cộng đồng DN cũng phải có chương trình để đạt được chuẩn mực tiên tiến của ASEAN, vươn tới chuẩn mực tiên tiến toàn cầu. Muốn như vậy phải có chuẩn mực quốc gia về phát triển doanh nghiệp.

Nói một cách tổng quát là bên cạnh chương trình đột phá về thể chế cần có một chiến lược quốc gia về phát triển DN để hỗ trợ thúc đẩy phát triển cộng đồng DN.

Việc xây dựng chiến lược này trước hết là việc của cộng đồng DN, nhưng rất cần hỗ trợ từ phía Chính phủ về nguồn lực, đào tạo, công nghệ … để đạt mục tiêu đã đề ra.

Nghị quyết 19 năm 2015 đặt ra các mục tiêu khá cụ thể. Vậy các Bộ, ngành và VCCI cần triển khai cải cách thế nào để đáp ứng lộ trình hội nhập ASEAN trong thời gian tới?

Ông Vũ Tiến Lộc: Tuy những mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 19 khá chi tiết, nhưng tôi cho rằng, khi triển khai các cần cụ thể hóa ra các chỉ tiêu.

Việc thành công hay không được quyết định từ việc triển khai từ các cấp cơ sở nhỏ nhất. Cần có sự triển khai tích cực từ mỗi Bộ, ngành, đặt ra chỉ tiêu cụ thể của mình và bám sát các kinh nghiệm thực tiễn tốt.

Ví dụ, ngành Thuế, Hải quan hoàn toàn có thể học tập, tận dụng kinh nghiệm ngay từ các nước ASEAN tiên tiến trong việc thực hiện áp dụng, thực hiện cắt giảm thủ tục thuế, hải quan trong thủ tục xuất nhập khẩu.

Chính phủ đã sẵn sàng trang bị cho các ngành này những thiết bị hiện đại nhất, đáp ứng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thì các đơn vị phải nỗ lực nâng cao tính chuyên nghiệp để thực hiện yêu cầu cải cách. Mỗi cán bộ công chức cần nâng cao trách nhiệm, tính chuyên nghiệp để thực hiện đúng chương trình cải cách.

Tôi cho rằng, Chính phủ có kỳ vọng cao hơn là ngành Hải quan có thể đạt thứ hạng hàng đầu thế giới. Bởi những cải cách thủ tục hiện đại hóa ngành hải quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi trực tiếp cho hoạt động xuất nhập khẩu, có tác động tích cực cho nền kinh tế.

Nhưng trước mắt, đặt ra các tiêu chí đạt tiêu chuẩn ASEAN-6, rồi ASEAN-4 để phấn đấu trong thời gian tới. Tôi tin ngành Thuế và Hải quan hoàn toàn thực hiện được mục tiêu đã đề ra.

Doanh nghiệp cần tích cực, không chỉ kêu ca, phàn nàn; mà đây là lúc doanh nghiệp cần tích cực “tham gia” vào xây dựng thể chế. Một trong những nội dung của Nghị quyết 19 của Chính phủ thể hiện rất rõ tinh thần đó.

VCCI sẽ kiến nghị cũng như lấy ý kiến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về các quy định liên quan đến người dân. Mặt khác, các văn bản pháp luật liên quan đến môi trường kinh doanh, doanh nghiệp cần tham khảo ý kiến của VCCI…

Với vai trò của mình, VCCI sẽ khảo sát, tập hợp các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính của các Bộ, ngành. Tiến hành những khảo sát, nghiên cứu độc lập, đánh giá định kỳ về chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, đưa ra các khuyến nghị với Chính phủ.

VCCI phối hợp với các Bộ Nội vụ, Tư pháp xây dựng tiêu chí, đánh giá cải cách thủ tục hành chính của các Bộ, cơ quan, địa phương, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chỉnh phủ và công bố công khai cho cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; nghiên cứu xếp hạng tín nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp đối với các Bộ, ngành và các địa phương. Khảo sát đánh giá về Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI cũng đang góp phần cung cấp một “phương tiện” trong quá trình triển khai Nghị quyết 19.

Đồng thời, VCCI sẽ đẩy mạnh tổ chức nghiên cứu, phổ biến kinh nghiệm tốt trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Việc chỉ ra những sai sót để sửa chữa là rất cần thiết nhưng tăng cường phổ biến kinh nghiệm tốt trong cải cách cũng quan trọng không kém.

Theo Huy Thắng - Báo điện tử Chính phủ