Thứ Năm, 18/08/2016 10:05:16 (GMT+7)

Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về kiểm tra chuyên ngành hàng hóa

Việc kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn bằng phương pháp thủ công, trùng lắp, chưa kể đến những hạn chế về nguồn lực tài chính, phương tiện, nhân lực dẫn đến thủ tục thông quan kéo dài, ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của doanh nghiệp (DN).

Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về kiểm tra chuyên ngành hàng hóa

Ảnh minh họa.

Kiểm tra thủ công, trùng lắp

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến 30/6/2016, có 344 văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý chuyên ngành, KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu do các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ban hành, trong đó có 21 luật, pháp lệnh; 65 nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 258 thông tư, quyết định của các bộ, ngành liên quan đến các lĩnh vực KTCN như kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa; kiểm tra an toàn thực phẩm; kiểm dịch (động vật, thực vật, y tế); kiểm tra văn hóa; các quy định về cấp giấy phép, điều kiện xuất nhập khẩu hàng hóa…

Một số văn bản pháp quy hiện hành có quy định về quản lý, KTCN như: Khoản 4 Điều 34 hay Điều 5 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 và một loạt thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế…

Ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho rằng: Một trong những vướng mắc hiện nay là nhiều cơ quan KTCN thực hiện thủ tục KTCN chủ yếu bằng phương thức thủ công, chưa áp dụng rộng rãi phương pháp quản lý rủi ro trong kiểm tra; chưa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận xử lý hồ sơ, trao đổi dữ liệu thông tin, công nhận kết quả KTCN.

Qua khảo sát thực tế tại một số cơ quan/tổ chức KTCN, việc xin giấy phép, cấp giấy chứng nhận, đăng ký kiểm tra, trả kết quả chủ yếu làm thủ công. Chủ yếu nộp hồ sơ giấy trực tiếp cho cơ quan kiểm tra, cấp phép và nhận lại kết quả bằng giấy. Nhiều cơ quan, tổ chức KTCN chưa áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong việc phân tích đánh giá thông tin về DN để thực hiện KTCN, dẫn đến kiểm tra nhiều, trùng lắp, cùng một mặt hàng, hãng sản xuất lần nào DN cũng bị kiểm tra; kết quả kiểm tra nhiều lần, nhiều lô nhưng phát hiện rất ít. Việc phối hợp, trao đổi thông tin về kết quả KTCN giữa các cơ quan, đơn vị liên quan còn nhiều hạn chế.

Nguồn lực hạn chế, thời gian thông quan kéo dài

Không chỉ vấn đề các quy định, thủ tục, ông Ngô Minh Hải cho rằng, các nguồn lực tài chính, trang thiết bị máy móc, phương tiện làm việc, nhân lực thực hiện nhiệm vụ KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu còn nhiều hạn chế.

Tại hầu hết các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia đường bộ, đường biển, đường hàng không, hiện nay đều chưa có đại diện của các cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa. Việc kiểm tra hàng hóa nhập khẩu được các cơ quan này thực hiện trên mẫu hàng từ cửa khẩu gửi về phòng thí nghiệm trong nội địa hoặc được thực hiện tại kho bảo quản hàng hóa của DN đối với lô hàng được đưa về bảo quản. Hơn nữa, phương tiện kỹ thuật, máy móc, thiết bị còn thiếu và yếu. Những điều này dẫn đến việc đưa ra kết quả còn chậm, làm kéo dài thời gian thông quan hàng hóa của DN.

Để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, cụ thể là Quyết định số 2026/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã triển khai phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý về thực hiện công tác KTCN.

Ngành hải quan cũng chủ động làm việc với các đơn vị chức năng chuyên môn thuộc các bộ quản lý chuyên ngành, cùng trao đổi xử lý những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề về công tác KTCN…

Tuy nhiên, bên cạch những mặt được, sau một thời gian đưa vào vận hành thí điểm, các địa điểm làm thủ tục KTCN tập trung đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cũng đã bộc lộ tồn tại, vướng mắc như các địa điểm này có diện tích chật hẹp, tại các địa điểm KTCN không có trang thiết bị máy móc cần thiết để kiểm tra ngay, nguồn nhân lực bố trí tại đây còn thiếu; có mặt hàng cần KTCN nhưng không có đại diện đơn vị KTCN…

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang phối hợp với các đơn vị có liên quan khảo sát, sơ kết đánh giá hiệu quả hoạt động thời gian qua tại các địa điểm KTCN tập trung, trên cơ sở đó đề xuất kiến nghị cơ quan có thẩm quyền về hoạt động KTCN tại các địa điểm này.

Rà soát, sửa đổi toàn diện

Tổng cục Hải quan kiến nghị các bộ quản lý chuyên ngành thực hiện cải cách toàn diện thể chế, chính sách, cách thức, phương pháp kiểm tra liên quan đến hoạt động KTCN đối với hàng hóa xuất nhập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28/04/2016.

Theo đó, các đơn vị phải kiên quyết rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật và thay đổi căn bản phương thức quản lý KTCN. Theo đó cần áp dụng quản lý rủi ro (phân tích thông tin, đánh giá rủi ro); đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của từng DN để áp dụng mức độ kiểm tra phù hợp; chuyển thời điểm KTCN tại giai đoạn thông quan sang kiểm tra sau khi hàng hóa đã được thông quan.

Đồng thời, các đơn vị phải minh bạch hóa Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, KTCN, chế độ quản lý, hình thức kiểm tra, thời điểm kiểm tra và chi phí kiểm tra KTCN. Các đơn vị phải hiện đại hóa thủ tục quản lý, KTCN như điện tử hóa thủ tục (nộp hồ sơ, trả kết quả…) quản lý, KTCN; kết nối thủ tục giữa các cơ quan, tổ chức liên quan.

Phải đẩy mạnh áp dụng thông lệ quốc tế với các nội dung, áp dụng công nhận lẫn nhau, triển khai nhanh việc kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giữa DN với các đơn vị có liên quan trong lĩnh vực này.

Theo Huy Thắng - Báo điện tử Chính phủ