Kế toán môi trường và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp
Song hành với mục tiêu kinh doanh hiệu quả, tối đa hóa lợi nhuận thì các doanh nghiệp phải hướng đến việc bảo vệ môi trường. Đây là một trong những yếu tố đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Mục đích của bài viết này xác định hệ thống kế toán môi trường là một nguồn thông tin quan trọng trong việc hỗ trợ ra quyết định của doanh nghiệp và kiểm soát một cách chặt chẽ.
Kế toán môi trường (KTMT) là một vấn đề khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng đã xuất hiện ở các nước phát triển từ thập niên 90 của thế kỷ trước. KTMT xuất hiện đầu tiên ở Mỹ vào năm 1972, sau Hội nghị thượng đỉnh về môi trường tại Stockhom (Thụy Điển) vào năm 1972, nhưng chú trọng vào việc hạch toán ở cấp độ quốc gia, tức là KTMT quốc gia.
Tuy nhiên, phải đến năm 1990, KTMT tại các doanh nghiệp (DN) bắt đầu được nghiên cứu. Đến năm 1992, Ủy ban Bảo vệ môi trường (BVMT) Hoa Kỳ tiến hành dự án về KTMT với nhiệm vụ khuyến kích và thúc đẩy các DN nhận thức đầy đủ các khía cạnh về chi phí môi trường, mối quan hệ giữa chi phí môi trường và các yếu tố về môi trường trong các quyết định kinh doanh.
Khuôn mẫu về KTMT do Ủy ban BVMT Hoa Kỳ cung cấp là tài liệu cơ sở để xây dựng khuôn mẫu về KTMT của Uỷ ban Phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, Liên đoàn Kế toán quốc tế, Hiệp hội Kế toán viên quản trị Hoa Kỳ, các nước Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc…
KTMT ra đời từ áp lực của công chúng và các phong trào BVMT. Áp lực này đòi hỏi các DN trong quá trình hoạt động phải quan tâm đến các vấn đề về môi trường, tác động đến chính sách về môi trường của Chính phủ. Chính sách này đòi hỏi các DN phải bồi thường thiệt hại khi gây ra sự cố về môi trường, phải hạn chế chất thải, phải làm sạch chất thải… nhưng cũng làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến các khoản nợ tiềm tàng, từ đó ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và lợi ích của cổ đông.
KTMT được xây dựng trên cơ sở hệ thống Luật chính sách về môi trường quốc gia như Luật làm sạch môi trường, Luật làm sạch nước, Luật về các loài nguy hiểm, Luật Sarbanes – Oxley (Mỹ) Luật tái chế và rác thải, Luật các khoản nợ môi trường… Việc áp dụng những biện pháp BVMT và KTMT sẽ làm tăng chi phí. Tuy nhiên, điều này cũng giúp DN thu được một số lợi ích như: thu nhập tăng từ tiết kiệm nước, năng lượng, nguyên liệu sử dụng, giảm chất thải, giảm chi phí xử lý chất thải.
Có rất nhiều quan điểm khác nhau về kế toán môi trường nhưng theo định nghĩa của Viện Kế toán quản trị (KTQT) môi trường: “KTMT là việc xác định, đo lường và phân bổ chi phí môi trường, kết hợp chi phí môi trường trong quyết định kinh tế, công bố thông tin cho các bên liên quan”. Theo tài liệu hướng dẫn thực hành KTMT của Nhật Bản thì “KTMT có mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững, duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng và theo đuổi các hoạt động BVMT trong quá trình hoạt động bình thường, xác định lợi ích từ các hoạt động, cung cấp cách thức định lượng và hỗ trợ phương thức công bố thông tin”.
Theo Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC): “Hạch toán quản lý môi trường là quản lý hoạt động kinh tế và môi trường thông qua việc triển khai và thực hiện các hệ thống hạch toán và các hoạt động thực tiễn phù hợp liên quan đến vấn đề môi trường”. Cơ quan Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (UNDSD) thống nhất giữa các nhóm chuyên gia đến từ 30 quốc gia đã đưa ra định nghĩa như sau: “Hạch toán quản lý môi trường là việc nhận dạng, thu thập, phân tích và sử dụng loại thông tin cho việc ra quyết định nội bộ: Thông tin vật chất (phi tiền tệ) về sử dụng, luân chuyển và thải bỏ năng lượng, nước và nguyên vật liệu (bao gồm chất thải) và thông tin tiền tệ về các chi phí, lợi nhuận và tiết kiệm liên quan đến môi trường”.
Nhìn chung, KTMT được xem xét từ hai góc độ: công tác kế toán và công tác quản lý môi trường. Bên cạnh đó, KTMT có rất nhiều chức năng khác nhau như hỗ trợ việc ra quyết định nội bộ trong hoạt động kinh doanh của DN nhằm hướng tới cải thiện hiệu quả hoạt động tài chính và hiệu quả hoạt động về môi trường. Đồng thời, cung cấp thông tin về tất cả các loại chi phí liên quan đến môi trường (trực tiếp và gián tiếp, chi phí ẩn và chi phí hữu hình…).
Ngoài ra, KTMT còn là cơ sở cho việc cung cấp thông tin ra bên ngoài phạm vi DN đến các bên liên quan như: Các ngân hàng, tổ chức tài chính, các cơ quan quản lý môi trường, cộng đồng dân cư… (như báo cáo tài chính, báo cáo môi trường của DN).
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt