Hút FDI vào dệt may: Đón đầu TPP, cẩn trọng máy móc lạc hậu
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được cho là cơ hội lớn để Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó có ngành dệt may. Một trong những lý do cơ bản nhất, đó là vì các rào cản thuế quan sẽ được bãi bỏ. Đơn cử, Mỹ hiện đang áp thuế suất thuế nhập khẩu đối với sản phẩm dệt may của Việt Nam trung bình khoảng từ 17-20%, khi TPP có hiệu lực, thuế suất thuế nhập khẩu sẽ là 0%.
Chính vì lý do này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dệt may đã liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam để đón đầu cơ hội. Ngoài các tên tuổi lớn như Adidas, Nike quyết định tăng cường sản xuất, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã dốc khoản vốn khá lớn tại Việt Nam.
Chẳng hạn, các dự án của Hyosung Hàn Quốc, với vốn đầu tư 660 triệu USD, tại Đồng Nai; của Luthai Textile Hồng Kông tại Tây Ninh, với vốn đầu tư 170 triệu USD; hay Dự án sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polysester của Far Eastern Đài Loan tại Bình Dương; dự án của Panko Hàn Quốc, 70 triệu USD và dự án của Tập đoàn Hirdaramani Srilanca, 50 triệu USD tại tỉnh Quảng Nam…
Các dự án này, có thể nói, có quy mô khá lớn, khác với trước đây chủ yếu là các dự án quy mô vừa và nhỏ, tập trung vào gia công, sản xuất thành phẩm may mặc. Để đáp ứng nguyên tắc “từ sợi” trong cam kết TPP, các dự án này thường đầu tư cả vào sản xuất nguyên, phụ liệu dệt may, bao gồm cả dệt nhuộm.
Không chỉ là các dự án dệt may đơn lẻ, thậm chí, KCN dành riêng cho ngành dệt may cũng đã được các nhà đầu tư thành lập. Thậm chí, đây còn được coi là “xu hướng mới”.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trước năm 2013, cả nước mới có 3 KCN dệt may được thành lập với tổng diện tích 331 ha, tại Đồng Nai (Nhơn Trạch, 184 ha); Hưng Yên (Phố Nối, 121 ha); Bình Dương (Bình An, 26 ha), thì chỉ từ đầu năm 2014 tới nay, đã có thêm 5 KCN dệt may mới, với tổng diện tích 1.900 ha.
Đó là các KCN Dệt may Rạng Đông (Nam Định), quy mô 600 ha; Texhong Hải Hà (Quảng Ninh), 660 ha; Tam Thăng (Quảng Nam), 175 ha; Phân KCN dệt may Hàn Quốc tại KCN Nhơn Trạch 6A, tỉnh Đồng Nai, quy mô 75 ha; KCN hỗ trợ ngành dệt may (Thừa Thiên Huế), 400 ha (đang xin chủ trương đầu tư).
“Các KCN này đều có diện tích khá lớn và định hướng thu hút đầu tư, phát triển trở thành khu sản xuất tập trung các sản phẩm dệt may, bao gồm từ sản xuất sợi, dệt nhuộm, nguyên, phụ liệu đến thành phẩm, để đón đầu các cơ hội do TPP mang lại”, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.
Một cách thẳng thắn, lãnh đạo Vụ Quản lý Khu kinh tế cho rằng, việc phát triển mô hình KCN dệt may và thu hút các dự án đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu ngành dệt may sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tận dụng các cơ hội xuất khẩu từ TPP. Tuy nhiên, lo ngại cũng đã bắt đầu nảy sinh, khi các KCN dệt may thường phát triển theo mô hình khép kín từ sản xuất sợi, dệt, nhuộm và thành phẩm. Trong đó, công đoạn nhuộm, dệt nhuộm có nguy cơ ô nhiễm môi trường nước cao do sử dụng nhiều loại hóa chất trong quá trình sản xuất.
Thêm vào đó, phần lớn nhà đầu tư vào lĩnh vực dệt may tại Việt Nam là từ Đài Loan, Trung Quốc… Đây không phải là những nơi có mặt bằng công nghệ cao, nhất là trong lĩnh vực dệt may. Do đó, theo Vụ Quản lý khu kinh tế, việc giám sát thiết bị, công nghệ nhập khẩu trong các dự án sản xuất sản phẩm dệt may cần được đặt ra để hạn chế việc chuyển giao công nghệ lạc hậu, tốn năng lượng sang Việt Nam.
Chưa kể, việc giải quyết bài toán hạ tầng, nhà ở cho công nhân trong các KCN này cũng là một thách thức lớn. Chính vì vậy, báo cáo Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dù việc đầu tư xây dựng các KCN dệt may là cần thiết và tạo điều kiện thuận lợi để ngành dệt may của Việt Nam phát triển, nhưng để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và đảm bảo cho hoạt động của các KCN này, thì các địa phương cần xây dựng kế hoạch giám sát môi trường, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung tại các KCN dệt may; quy hoạch và đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân; và quan trọng không kém là thẩm định dự án đầu tư, nhất là đối với vấn đề công nghệ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, phải hết sức tránh chuyện để các dự án “lợi dụng” lợi ích từ TPP để đầu tư vào Việt Nam.n Hà Nguyễn
“Trong giai đoạn này, việc thu hút FDI phải song song hai yếu tố: vốn đi kèm công nghệ”, ông Thắng nói và cho biết, đã có tỉnh phía Bắc từ chối dự án FDI 400 triệu USD có liên quan đến dệt nhuộm của Trung Quốc, bởi lo ảnh hưởng xấu tới môi trường.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt