Thứ Năm, 12/10/2023 8:42:48 (GMT+7)

Hợp tác ba bên Việt Nam – Lào – Australia về đầu tư trực tiếp nước ngoài

(MPI) – Ngày 09/10/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Sthabandith; Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đồng chủ trì Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Hợp tác ba bên Việt Nam – Lào – Australia về đầu tư trực tiếp nước ngoài

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 được tổ chức tại Indonesia, Thủ tướng Australia đã có thông điệp rất rõ ràng đó là tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực ASEAN, trong đó có sáng kiến lựa chọn Việt Nam và Lào để có sự hợp tác sâu hơn. Đây là sự kiện mở đầu cho mô hình hợp tác mới giữa ba bên với cách thứ hợp tác thông qua các dự án, sản phẩm đầu ra cụ thể.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Việt Nam đã trải qua gần 4 thập kỷ đổi mới và đến nay đã đạt được những thành tựu quan trọng, đáng tự hào. Hiện quy mô kinh tế của Việt Nam đứng thứ 3 khu vực ASEAN; thu nhập bình quân đầu người mặc dù còn khiêm tốn nhưng đã đạt được thành tựu đáng kể. Việt Nam tham gia hội nhập khá sâu rộng với nền kinh tế thế giới và khu vực; độ mở nền kinh tế được đánh giá là cao so với thế giới; đặc biệt, Việt Nam đã tham gia vào các FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới với các điều kiện, tiêu chuẩn cao. Để đạt được những thành tựu này không thể không nói đến chính sách mở cửa thu hút FDI của Việt Nam.

Việt Nam được đánh giá là 1 trong 20 quốc gia thu hút FDI thành công trên thế giới, để đạt được mục tiêu đề ra, Việt Nam thực hiện các nguyên tắc trong thu hút FDI, đó là hợp tác trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho nhà đầu tư với phương châm thành công của nhà đầu tư cũng chính là thành công của Việt Nam; sự hài lòng của các nhà đầu tư chính là cách xúc tiến đầu tư có hiệu quả nhất; quan điểm và định hướng được thực hiện trong suốt thời gian qua đó là thống nhất môi trường pháp lý, tạo sự bình đẳng trong cạnh tranh giữa các khu vực, thành phần kinh tế, cạnh tranh hài hòa để cùng phát triển.

Cùng với đó, Việt Nam luôn coi các doanh nghiệp FDI là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế, không có sự phân biệt giữa các doanh nghiệp; tạo sân chơi bình đẳng, tạo hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng dư địa để thu hút FDI của Việt Nam vẫn còn nhiều và Việt Nam mong muốn tiếp tục được nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia, trong đó có Australia. Thông qua Hội nghị này, Việt Nam mong muốn được nghe các ý kiến, chia sẻ để tiếp tục nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nước về thu hút FDI trong thời gian tới.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nhấn mạnh đến các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam và những lĩnh vực Lào, Australia có thế mạnh; mong muốn các bên tiếp tục hợp tác, đồng hành để cùng phát triển trong thời gian tới; đặc biệt là liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, ngành khai khoáng; xây dựng hệ thống hạ tầng tối ưu để phục vụ cho phát triển kinh tế; về phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là theo mục tiêu được cam kết tại Hội nghị COP 26; cơ chế thu hút FDI. Đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, các nội dung được trao đổi sẽ là bước khởi đầu để tiếp tục triển triển khai hiệu quả các nội dung hợp tác trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Sthabandith phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Sthabandith, Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đều bày tỏ đồng tình với những thông tin, chia sẻ của Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc; đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là trong thu hút FDI. Đồng thời cho rằng, Hội nghị có ý nghĩa quan trọng, là dịp để các bên cùng trao đổi kinh nghiệm thu hút FDI có chất lượng hơn trong thời gian tới.

Ông Sthabandith cho biết, trong suốt 20 năm qua, Lào đã thu hút nhiều dự án FDI, điều này có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng; đồng thời thông tin về môi trường đầu tư kinh doanh của Lào như tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản về đầu tư; tăng cường kết nối hạ tầng giao thông; xây dựng các trung tâm logistic, cảng hàng không nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, mang lại các cơ hội cho nhà đầu tư; tăng cường sự kết nối với các quốc gia, hình thành chuỗi cung ứng;…

Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Về phía Australia, Đại sứ Andrew Goledzinowski cho biết, Australia vui mừng được hợp tác với Việt Nam và Lào về sáng kiến chia sẻ kinh nghiệm thu hút đầu tư FDI chất lượng cao; cho rằng, các nội dung tập trung thảo luận nhằm khai thác tiềm năng hợp tác hơn nữa giữa ba bên về quản lý và thu hút FDI, trong đó tập trung vào các lĩnh vực quan tâm ở cả ba quốc gia về cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo và khoáng sản; làm thế nào để thu hút FDI không chỉ tăng về số lượng mà còn là chất lượng. Bên cạnh đó, lĩnh vực giáo dục đóng vai trò quan trọng, là nền tảng để phát triển đóng góp cho sự thịnh vượng, hòa bình của các quốc gia.

Thông tin về tình hình đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính lũy kế đến ngày 20/09/2023, Việt Nam có 38.379 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 455,06 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 289,9 tỷ USD, bằng 63,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Đầu tư mới: Có 2.254 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 66,3% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 10,23 tỷ USD (tăng 43,6% so với cùng kỳ). Việt Nam đang đón làn sóng đầu tư nước ngoài rất mạnh mẽ, trong đó vấn đề phát triển kinh tế xanh rất được quan tâm.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Nhất Hoàng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Về điểm đến hấp dẫn đầu tư của Việt Nam, ông Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh, Việt Nam có chính trị ổn định; phát triển nhanh, bền vững; có chi phí cạnh tranh; nguồn nhân lực dồi dào; là thị trường tiềm năng với hơn 100 triệu dân, sức tiêu dùng ngày càng tăng; có ưu đãi đầu tư mang tính cạnh tranh; chính sách của Việt Nam mở, thông thoáng; có vị trí thuận lợi, có bờ biển dài, nhiều cảng biển, sân bay, tạo nên sự kết nối với các nước trên thế giới.

Bên cạnh các dự án truyền thống, Việt Nam đang thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các dự án công nghệ có giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa, hướng tới các dự án năng lượng tái tạo, điện tử, chíp bán dẫn, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; kinh tế số, chuyển đổi số; nông nghiệp công nghệ cao; trung tâm tài chính quốc tế.

Theo đó, Việt Nam thực hiện các giải pháp về ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung vào các đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực, hạ tầng; hợp tác với các quốc gia về đào tạo nhân lực, đặc biệt là đào tạo kỹ sư ngành công nghiệp chip bán dẫn, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 có 50 nghìn kỹ sư trong lĩnh vực này; triển khai chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng; tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến nhằm kịp thời xử lý các vấn đề thực thi chính sách; nghiên cứu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển hạ tầng; phát triển công nghiệp phụ trợ; thành lập tổ công tác của Chính phủ, địa phương về FDI nhanh chóng hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp.

Tại Hội nghị, đại biểu được nghe các bài trình bày về tình hình đầu tư nước ngoài và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, Lào, Australia, trong đó tập trung vào khuôn khổ pháp lý, số lượng và giá trị FDI của mỗi quốc gia trong những năm gần đây và các lĩnh vực then chốt trong thời gian tới; thảo luận về những điểm khác biệt và tương đồng trong cơ chế đầu tư của ba quốc gia./.

Theo Tùng Linh - mpi.gov.vn