Thứ Hai, 21/09/2015 15:18:27 (GMT+7)

“Hội nhập WTO mới theo chiều rộng, chưa theo chiều sâu”

Thảo luận về kết quả quá trình gia nhập WTO từ trước đến nay, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 18/9 đồng ý rằng, nền kinh tế có tăng trưởng, tuy nhiên, sự tăng trưởng này mới theo chiều rộng, chưa theo chiều sâu.

“Hội nhập WTO mới theo chiều rộng, chưa theo chiều sâu”

Sau 8 năm hội nhập WTO, nền kinh tế mới hội nhập theo chiều rộng. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Lỗi hệ thống là một nguyên nhân

Báo cáo kết quả giám sát cho biết, việc trở thành thành viên WTO giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao vào năm 2007 nhưng ngay sau đó, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã dẫn đến sụt giảm tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2008-2011.

Sau khi hồi phục vào các năm 2010 và 2011, tăng trưởng kinh tế giảm các năm 2012 và 2013, sau đó, năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 đã phục hồi trở lại. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2007-2014 đạt 5,94% thấp hơn giai đoạn 2001-2006 (7,27%).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần chỉ ra nguyên nhân của vấn đề này. Tại sao chúng ta có nhiều lợi thế nhưng lại không phát huy được. Ví dụ như có lợi thế về nông nghiệp, nhưng báo cáo chỉ ra rằng “tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành thủy sản thấp hơn so với trước khi gia nhập WTO và cả ngành nông nghiệp thay đổi không đáng kể.”

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước nhận định, khi nền kinh tế cần bước sang giai đoạn hội nhập theo chiều sâu đã bộc lộ những điểm yếu. Ông cũng khẳng định, cần tìm ra nguyên nhân của vấn đề này.

Theo phân tích của Chủ nhiệm Ksor Phước, xuất phát của nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế yếu, lực lượng lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số lao động cả nước nhưng kỹ năng lại chưa cao.

Ngoài ra còn có vấn đề công nghệ. Việt Nam có nhiều người tài nhưng việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nền kinh tế rất ít, thị trường khoa học công nghệ chưa hình thành, chưa mang tính phổ cập trong nền kinh tế.

Ông Ksor Phước cũng thẳng thắn nhìn nhận, một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả hội nhập chưa sâu còn xuất phát từ lỗi hệ thống.

“Lỗi hệ thống ở tầng vĩ mô là các quyết sách, chính là quá trình hoàn thiện luật từ năm 2007 đến 2014 chậm, ảnh hưởng đến sự giải phóng của các lực lượng sản xuất. Còn có lỗi hệ thống trong cơ chế điều hành, chính là lỗi trong vấn đề bộ máy và thực hiện kỷ cương trách nhiệm công chức. Nếu là lỗi hệ thống trong trách nhiệm của Quốc hội thì Quốc hội phải sửa”, ông Ksor Phước nói.

Thách thức càng rõ khi hội nhập sâu

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cũng đặt câu hỏi: “Kết quả mà Việt Nam đạt được đã tương xứng với kỳ vọng đặt ra khi gia nhập WTO?” Bà cho rằng, báo cáo giám sát cần đánh giá tác động việc hội nhập đến đời sống xã hội, đến đời sống dân cư để thấy người dân đang đứng trước áp lực gì, bởi cùng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế chính là chuyển dịch cơ cấu lao động. Theo bà Mai, vấn đề mấu chốt là tăng năng suất lao động, nếu tăng được năng suất lao động sẽ cải thiện được tiền lương, từ đó mới nâng cao được đời sống người lao động.

Sự chuyển dịch trong hội nhập WTO lại được Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chỉ ra ở việc càng hội nhập quy mô doanh nghiệp càng nhỏ đi, kéo theo đó số lượng lao động ít đi. Việc chưa xây dựng được lực lượng doanh nghiệp lớn, tập đoàn mạnh như mong muốn và vấn đề ngay cả cán bộ Nhà nước còn lơ ngơ với các vấn đề hội nhập được Phó Chủ tịch nhấn mạnh để thấy những thách thức đang rất rõ ràng khi đất nước ngày càng hội nhập sâu hơn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong phần phát biểu của mình cũng liên tục đặt ra những câu hỏi “Con số tăng trưởng đó đã thực sự chưa? Việt Nam đã vượt qua được các thách thức để chuyển thành cơ hội? Có bớt được khoảng cách của nước ta với thế giới?”.

Chủ tịch nói: “Các đồng chí đừng thấy nhập siêu giảm mấy năm gần đây mà mừng, đó là do kinh tế suy giảm thôi”. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là đợt rà soát quan trọng của quá trình hội nhập với WTO để tìm ra những nguyên nhân, hóa giải vấn đề trước khi Việt Nam tiếp tục hội nhập với Hiệp định ối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong thời gian ngắn tới đây.

Trong giai đoạn 2007-2014, tỷ trọng đóng góp vào GDP của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,5%, trong khi tỷ trọng của khu vực công nghiệp và xây dựng thay đổi không nhiều, chỉ giảm 0,2%. Khu vực dịch vụ tăng lên 1,7%. Trong giai đoạn này, khu vực nông, lâm, thủy sản đóng góp bình quân 11% vào tăng trưởng GDP. Hai khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đóng góp vào tăng trưởng GDP lần lượt là 40% và 49%, thể hiện tác động tích cực của dòng vốn FDI và mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ.

Chỉ số Cạnh tranh toàn cầu 2014-2015 cho thấy Việt Nam xếp thứ 68, tăng 2 bậc so với chỉ số 2013-2014, cao hơn chỉ số 2012-2013 (75/144) và 2007-2008 (70/144) nhưng thấp hơn chỉ số 2011-2012 (65/144) và 2010-2011 (59/144), chỉ số xếp hạng giảm so với trước khi gia nhập WTO (chỉ số 2006-2007 là 64), phản ánh những thay đổi trong năng lực cạnh tranh quốc gia chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập.

Về cân đối ngân sách Nhà nước: Việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu hàng hóa ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách nhà nước. Tỷ trọng thu nội địa bình quân giai đoạn 2001-2006 là 52% và tăng nhanh sau khi gia nhập WTO, năm 2011 là 75,4% và năm 2014 là 67%. Để bảo đảm phát triển nguồn thu nội địa, nhiều giải pháp được thực hiện như kích thích phát triển sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sửa đổi, bổ sung các chính sách thu nội địa, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chống thất thu thuế…

(Trích Báo cáo giám sát kết quả hội nhập WTO của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội)

 

Theo Hồ Huệ - Báo Đầu tư