Hội nghị Đối tác thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp Việt Nam 2023
(MPI) – Nhằm chia sẻ các định hướng, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số của Chính phủ, cập nhật các xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và trao đổi, thảo luận những định hướng, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong thời gian tới, ngày 04/10/2023, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Hội nghị Đối tác thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp Việt Nam 2023.
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ông Dennis Quennet, Giám đốc các dự án Phát triển Kinh tế Bền vững, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ); Ông Jesús Laviña, Phó Trưởng Ban Hợp tác phát triển, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam (EU Delegation); cùng đại diện một số doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Trung cho biết, giai đoạn đầu năm 2021-2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã huy động nguồn lực tài trợ từ Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID, thông qua dự án USAID LinkSME; từ Chính phủ Đức thông qua dự án Trung tâm chuyển đổi số Việt Nam (DTC-VN) – GIZ và đã phối hợp với các cơ quan Bộ ngành, các tổ chức hiệp hội, ngành nghề triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, tập trung vào nâng cao nhận thức, xây dựng cơ sở dữ liệu, các công cụ, tài liệu, nền tảng để chuyển đổi nhận thức cho doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Hiện nay, các doanh nghiệp đã có những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về sự cần thiết của chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp đã bước vào giai đoạn số hóa dữ liệu, chuẩn hóa quy trình, ứng dụng công nghệ số và tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn. Đây là kết quả đáng ghi nhận từ nỗ lực, khát vọng thay đổi và vươn lên của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ hiệu quả của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, của các tổ chức hiệp hội, ngành hàng trong công tác hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được này còn khá khiêm tốn, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong quá trình chuyển đổi số. Chính vì vậy, thông qua Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn lắng nghe chia sẻ từ phía các cơ quan đối tác cũng là các đơn vị cùng đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp để có nhưng chiến lược cụ thể, phương án hỗ trợ chuyên sâu hơn cho doanh nghiệp trong giai đoạn 2024-2025 sắp tới.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 đưa ra các nhiệm vụ về chuyển đổi nhận thức của doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số; Thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 đưa ra giải pháp như phát triển các doanh nghiệp số, gồm doanh nghiệp công nghệ số và chuyển đổi các doanh nghiệp truyền thống thành doanh nghiệp số; đẩy mạnh, đẩy nhanh chuyển đổi số doanh nghiệp dựa trên các nền tảng số, tạo hệ sinh thái doanh nghiệp số trong các ngành lĩnh vực.
Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ đã ban hành giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổ chức triển khai nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về chuyển đổi số; thúc đẩy hệ sinh thái phát triển chuyển đổi số doanh nghiệp, nâng cao năng lực mạng lưới chuyên gia tư vấn chuyển đổi số, kết nối các doanh nghiệp với các giải pháp chuyển đổi số.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phê duyệt Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu chung là hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp. Đến nay, hơn 2.100 doanh nghiệp tự đánh giá mức độ sẵn sàng trên Cổng thông tin Chương trình; Hơn 10 nghìn doanh nghiệp tại 40 địa phương đã được đào tạo trực tiếp về chuyển đổi số, hơn 50 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyên sâu 1-1 để trở thành các doanh nghiệp tiêu biểu về chuyển đổi số; Mạng lưới hơn 100 tổ chức, cá nhân cung cấp giải pháp, tư vấn, đào tạo chuyển đổi số được sàng lọc, thành lập, đào tạo và kết nối với cộng đồng doanh nghiệp.
Hội nghị tập trung trao đổi về định hướng và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp; trao đổi về xu hướng chuyển đổi kép (Twin transition), các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số của EU và tận dụng chuyển đổi số cho chuyển đổi xanh.
Ông Dennis Quennet, Giám đốc các dự án Phát triển Kinh tế Bền vững, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ tại Việt Nam phát biểu. Ảnh: MPI
Theo ông Dennis Quennet, Giám đốc các dự án Phát triển Kinh tế Bền vững, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ tại Việt Nam, chuyển đổi kép là một xu hướng quốc tế tất yếu nhằm kết hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số hướng tới phát triển bền vững; đồng thời bày tỏ, với sự nỗ lực hợp tác có sự tham gia của các bên liên quan từ cả khu vực công và tư nhân, mục tiêu quan trọng này sẽ từng bước được hiện thực hóa ở Việt Nam.
Ông Dennis Quennet cho rằng, xu hướng toàn cầu hiện nay là kết hợp quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số; do vậy cần có sự chuẩn bị sẵn sàng, sự chủ động ở cấp toàn cầu, cấp quốc gia và cấp ngành trong tiến trình này để biến những thách thức thành cơ hội; cần có sự hỗ trợ, chia sẻ cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, starups. Cùng với đó, cần tiếp tục tăng cường hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; xây dựng các hoạt động thân thiện với môi trường sử dụng các mô hình kinh doanh thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh, đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
GIZ đã và đang hỗ trợ tích cực và mạnh mẽ cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số; mong muốn được tiếp tục đồng hành với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tạo ra những mô hình kinh doanh trong quá trình chuyển đổi này, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Hội nghị cũng được nghe các bài trình bày từ các đối tác, các doanh nghiệp về định hướng và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Xu hướng chuyển đổi kép (Twin transition); Chính sách thúc đẩy chuyển đổi số của EU; Tận dụng chuyển đổi số cho chuyển đổi xanh; Vai trò của các tập đoàn công nghệ trong hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; Đề xuất giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp tạo tác động xã hội; tăng cường phối hợp giữa các đối tác;…
Qua đó cho thấy, chuyển đổi số đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên khắp thế giới và trở thành thế. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần sẵn sàng hành động và đổi mới, tự chủ xây dựng chiến lược chuyển đổi số, bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý doanh nghiệp và người lao động. Trong bối cảnh đó, sự tham gia và vào cuộc của các cơ quan hỗ trợ, tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn và các chuyên gia chuyển đổi số là vô cùng quan trọng để tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số./.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt