Hội chứng thiếu DN cỡ vừa trước “vòng bán kết” của Chính phủ
Doanh nghiệp đang rất hứng khởi trước quyết tâm cải cách, hội nhập của Chính phủ, nhưng để tận dụng được cơ hội đang mở ra, chúng ta phải nhìn thẳng vào để khắc phục được một hội chứng của cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhìn nhận.
Sau khi được Chính phủ ban hành, Nghị quyết số 19/NQ-CP năm 2015 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã liên tục được nhắc đến tại các diễn đàn và trên báo chí những ngày qua.
Chia sẻ với Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia trước thềm Đại hội VI của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng không giấu được niềm hứng khởi mà ông cho rằng không chỉ của cá nhân ông. “Với Nghị quyết 19, doanh nghiệp không chỉ tin, mà cao hơn niềm tin, họ còn cảm thấy rất hứng khởi. Doanh nghiệp đang cảm nhận được sức nóng của cải cách, của hội nhập”.
“Không lựa chọn nào chính xác hơn”
TS Vũ Tiến Lộc nhớ lại, làn sóng cải cách thứ nhất tại Việt Nam đã được mở đầu bằng Luật Doanh nghiệp năm 1999, dẫn đến sự bùng nổ của hoạt động sản xuất kinh doanh. Nghị quyết 19 được Chính phủ ban hành năm 2014 cũng đóng vai trò như Luật Doanh nghiệp ở thời điểm chuyển giao thế kỷ 15 năm trước.
Chỉ khác là, nếu làn sóng cải cách trước đây mang tính chất “cởi trói”, mang lại quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp, thì lần này là đột phá của hội nhập. “Lần trước là vượt lên so với chính mình trước đó, còn lần này, là vượt lên trong cuộc đua toàn cầu, với những chuẩn mực toàn cầu và vì thế, đà cải cách còn mạnh mẽ, quyết liệt hơn”.
Ông Vũ Tiến Lộc so sánh, với mục tiêu môi trường kinh doanh đạt mức trung bình của ASEAN-4, Chính phủ quyết tâm vào vòng “bán kết” của ASEAN, ngang bằng các quốc gia phát triển nhất trong khu vực là Singapore, Thái Lan, Malaysia. Nghị quyết 19 chính là “tiền đạo”, là mũi giáp công của Việt Nam trong cuộc đua tranh này. “Trước thềm những hiệp định thương mại tầm cỡ như TPP hay Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), không có một lựa chọn chính sách nào chính xác hơn thế”, ông quả quyết.
Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng bên cạnh chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, đột phá cải cách, rất cần một chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp.
“Chính phủ đã quyết thực hiện tốt vai trò kiến tạo phát triển, vậy còn cộng đồng doanh nghiệp, những chủ thể của nền kinh tế thì sao? Suy cho cùng, năng lực cạnh tranh quốc gia phải thể hiện ở từng doanh nghiệp, từng sản phẩm hàng hóa, từng dịch vụ”, Chủ tịch VCCI đặt vấn đề.
Cần một phong trào “bình dân học vụ” cho doanh nghiệp
Hiện Việt Nam đã có khoảng 500 ngàn doanh nghiệp, tăng gấp hàng chục lần so với thời điểm ra đời của Luật Doanh nghiệp 1999, đúng như mong muốn trước đây của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Tuy nhiên, chỉ có 2% trong số đó có quy mô lớn, 2% là doanh nghiệp vừa, 96% còn lại là nhỏ và siêu nhỏ. Chưa hết, cộng đồng kinh doanh Việt Nam còn gồm 4,6 triệu hộ kinh doanh “li ti” nữa.
Hệ quả của tình trạng này là doanh nghiệp không đủ sức tiếp cận công nghệ và quản trị hiện đại. Theo khảo sát của VCCI, chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp Việt sử dụng công nghệ mới, 30% sử dụng công nghệ ở mức trung bình và trên 50% sử dụng công nghệ lạc hậu.
Thừa nhận Việt Nam chưa thể có nhiều doanh nghiệp lớn bởi chặng đường phát triển chưa dài, nhưng ông Vũ Tiến Lộc cho rằng chỉ có 2% doanh nghiệp cỡ vừa “là điều rất khó chấp nhận”. Bởi vì, hội nhập có nghĩa là kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu và các doanh nghiệp cỡ vừa chính là mắt xích, là trung gian kết nối giữa các doanh nghiệp lớn trên thế giới với các doanh nghiệp nhỏ trong nước.
“Thiếu vắng những doanh nghiệp cỡ vừa – hội chứng mà thế giới gọi làthe missing middle – chính là lỗ hổng lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam, là điểm yếu nhất trong khả năng cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp Việt”, ông Lộc khẳng định.
Do đó, Chủ tịch VCCI cho rằng việc tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập là cực kỳ quan trọng và Chính phủ đang nỗ lực cho việc đó, nhưng bên cạnh đó, cần phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lớn lên.
Trên thực tế, Nghị quyết số 19 của Chính phủ cũng đã đặt ra yêu cầu này. Nghị quyết chỉ rõ, phải tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân; phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích hình thành doanh nghiệp lớn, thương hiệu mạnh; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh.
Cho rằng cách hỗ trợ tốt nhất không phải là bao cấp, ông Vũ Tiến Lộc ủng hộ cách tiếp cận trên đây của Chính phủ. “Tại cuộc trao đổi mới đây với Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, tôi nói rằng thời kỳ kinh doanh dựa trên quan hệ đã qua rồi, giờ là thời của công nghệ, của sáng tạo. Không có cách nào khác là doanh nhân phải học và để giúp đỡ họ, cần có một phong trào “bình dân học vụ” cho doanh nhân. Và chúng tôi muốn các cơ quan nhà nước ủng hộ VCCI về mọi mặt trong chương trình này”.
“Làm sao để một phần trong số 4,6 triệu hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp, kinh doanh bài bản, và để một phần trong số những doanh nghiệp nhỏ vươn lên thành những doanh nghiệp cỡ vừa, thì năng lực cạnh tranh, sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam đã rất khác”, ông Lộc tin tưởng.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết sắp tới VCCI sẽ tổ chức giải thưởng “Ngôi sao cải cách” theo bình xét của doanh nghiệp và báo chí để tôn vinh những mô hình cải cách tốt nhất. Đối tượng bình xét là các cơ quan, địa phương và kể cả doanh nghiệp. |
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt