Hóa giải mâu thuẫn giữa khát vọng và rào cản tăng trưởng
Những mâu thuẫn giữa khát vọng tăng trưởng và các thách thức, những rào cản đối với tăng trưởng kinh tế đang tiếp tục đặt Việt Nam ở vào thế phải tiếp tục cải cách và có những sự lựa chọn thông minh.
Chỉ là một trong những bài trình bày của các đối tác phát triển tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2016 (VDF 2016), diễn ra vào cuối tuần qua tại Hà Nội, song bài phát biểu của ông Jonathan Dunn, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam lại vô hình chung “đụng” trúng những nút thắt cơ bản nhất của nềnkinh tế Việt Nam hiện nay. Đó là những mâu thuẩn giữa khát vọng tăng trưởng và những rào cản mà Việt Nam đang phải đối mặt.
Một điều hiển nhiên, bất kỳ một nền kinh tế nào cũng khát vọng tăng trưởng cao, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Mục tiêu được đặt ra trong Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020, đó là bình quân trong giai đoạn 5 năm này, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt khoảng 6,5 – 7%, trong khi bình quân giai đoạn trước chỉ khoảng 5,9% và tăng trưởng GDP năm 2016, như con số được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới tại VDF 2016 là 6,3%.
“Rào cản đối với khát vọng tăng trưởng này đến từ cả môi trường toàn cầu và bối cảnh kinh tế trong nước của Việt Nam. Thương mại toàn cầu đã giảm sút trong 10 năm qua, lượng nhập khẩu thực ở nhiều quốc gia đã giảm mạnh trong thời gian qua, do vậy, đây sẽ không còn là một lực đẩy mạnh cho tăng trưởng nữa. Viễn cảnh bấp bênh của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế, dù Việt Nam vẫn còn có các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác”, ông Jonathan Dunn nói và cũng nhắc tới những rào cản của nội tại kinh tế Việt Nam là năng suất lao động có xu hướng giảm sút trong thời gian gần đây, đầu tư cho nghiên cứu – phát triển, cho khoa học – công nghệ còn thấp và do đó, sẽ khó có thể hỗ trợ cho tăng trưởng của Việt Nam.
Trên thực tế, những bất ổn của kinh tế toàn cầu cũng đã tiếp tục được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Thậm chí, phát biểu tại VDF, ông còn gọi bối cảnh quốc tế năm 2017 là “rất khó tiên lượng”. Lý do là vì, những thay đổi trên chính trường nước Mỹ sẽ tác động mạnh đến cấu trúc chính trị – kinh tế thế giới, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, tiền tệ; tình hình châu Âu cũng được dự báo có nhiều thay đổi lớn, nhất là khi tiến trình Brexit đang đi đến giai đoạn quyết định và dự kiến có nhiều tác động đến các quốc gia thành viên EU; khu vực châu Á cũng sẽ có nhiều biến động khó lường với sự ảnh hưởng ngày càng mạnh của nền kinh tế Trung Quốc và đồng nhân dân tệ… và điều này, một cách rõ ràng, sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam.
Chưa kể, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mặc dù kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu hồi phục từ quý III/2016, với dự báo tăng trưởng kinh tế có khả năng đạt được 6,3-6,5% trong năm nay, song nền kinh tế đã, đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển, đó là thách thức về sự tụt hậu, thách thức của bẫy thu nhập trung bình, thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu và thách thức từ hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh ấy, những mâu thuẫn giữa khát vọng tăng trưởng và rào cản sẽ buộc Việt Nam phải lựa chọn được con đường thích hợp. Đâu là sự lựa chọn đúng đắn? Câu hỏi không dễ trả lời, bởi thách thức trong hiện tại của Việt Nam không chỉ là làm sao đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017, mà còn là để giải bài toán “tăng tốc” của nền kinh tế trong những năm tới, nhằm đạt được những mục tiêu phát triển nhanh, bền vững trong trung và dài hạn.
Thậm chí, chỉ đề cập riêng một “nút thắt” của nền kinh tế Việt Nam – đó là nợ xấu, nợ công tăng cao – cũng đã khiến Chính phủ Việt Nam phân vân. “Tôi cho rằng, quan hệ giữa tăng trưởng và nợ công là quan hệ vừa thống nhất vừa mâu thuẫn. Một quốc gia đang phát triển có nguồn lực hạn chế thì muốn tăng trưởng sẽ không tránh khỏi nợ công, nhưng nếu quản lý nợ công không tốt và sợ tỷ lệ nợ công cao thì sẽ không thể đủ nguồn lực dành cho tăng trưởng. Điều quan trọng là quản lý nợ công hiệu quả và mức độ nào là phù hợp. Chúng tôi cần ý kiến của các chuyên gia để giúp giải tỏa được nút thắt này trong giai đoạn phát triển tới của nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Và một cách thẳng thắn, ông Jonathan Dunn đã bày tỏ mối lo ngại trước tình trạng thâm hụt ngân sách và xu hướng nợ công tăng nhanh ở Việt Nam. “Để giảm nợ công và tăng niềm tin của Việt Nam phải thực hiện các biện pháp để củng cố tài khóa, kiểm soát chi tiêu thường xuyên, thúc đẩy tăng nguồn thu cho ngân sách cũng như tiếp tục củng cố thị trường tài chính, thị trường vốn. Không có thị trường tài chính phải triển, khi mà các ngân hàng vẫn nắm giữ một tỷ lệ trái phiếu chính phủ lớn thì sẽ cản trở khu vực tư nhân phát triển do họ không có vốn”, ông Jonathan Dunn nói.
Trong khi đó, đề cập trực diện câu hỏi của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ông John Panzer, Giám đốc Toàn cầu khối Quản lý kinh tế vĩ mô và tài khóa của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, hiện nợ công so với GDP ở Việt Nam đang khá cao và Việt Nam đã trở thành một trong 20 nền kinh tế đang phát triển có mức nợ công/GDP cao nhất.
Theo ông John Phanzer thì Việt Nam đang gặp phải thách thức rất lớn khi tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, mà điều đó dẫn tới nguồn thu giảm, thâm hụt ngân sách lớn và trong bối cảnh Chính phủ vẫn tiếp tục tăng chi để thúc đẩy tăng trưởng thì việc gia tăng nợ công là dễ hiểu. Tuy chưa phải là vấn đề quá cấp bách, song đây là vấn đề rất đáng lưu tâm trong bối cảnh hiện nay.
“Mô hình mà tôi muốn đề cập là đi dây thăng bằng, tức là làm sao vừa duy trì được tăng trưởng kinh tế, tạo được môi trường thuế thân thiện với tăng trưởng, vẫn đầu tư cho phát triển hạ tầng, cho nguồn nhân lực, nhưng vẫn có khả năng ứng phó, chống đỡ với các cú sốc bên ngoài, cũng như đảm bảo mức thâm hụt tài khóa và nợ bền vững”, ông John Panzer đề xuất.
Tuy nhiên, đây vẫn lại là một mâu thuẫn không dễ hóa giải. Bởi để đảm bảo có ngân sách cho chi đầu tư tăng trưởng, Việt Nam – như khuyến nghị của John Panzer – là có thể sẽ phải xem xét mở rộng diện đánh thuế thu nhập doanh nghiệp, hay đóng thuế VAT, tăng cường thuế môi trường và tài nguyên, xem xét đánh thuế đối với tài sản (bất động sản) và thu nhập từ đầu tư vốn. Nếu vậy, khu vực tư nhân lại thêm ngần ngại trong đầu tư cho sản xuất – kinh doanh.
Rất nhiều những mâu thuẫn như vậy, mà muốn hóa giải, không phải là câu chuyện đơn giản. Nhưng đó là việc mà Việt Nam cần phải làm để hiện thực hóa khát vọng tăng trưởng cao và bền vững trong thời gian tới.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt