Thứ Hai, 07/11/2016 10:12:33 (GMT+7)

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để khơi thông nguồn vốn

Trao đổi về Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trình Quốc hội ngày 8/11 tới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông cho rằng, tiền trong dân còn rất nhiều, cần phải hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để khuyến khích người dân bỏ vốn ra sản xuất, kinh doanh.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để khơi thông nguồn vốn

Thưa Thứ trưởng, dựa vào cơ sở nào có thể cho rằng, tiền trong dân còn rất nhiều?

Đó là số tiền mà hệ thống ngân hàng huy động được từ người gửi tiết kiệm. Nhưng đó chỉ là một phần, phần còn lại được người dân cất giữ dưới dạng vàng, USD, bất động sản và các loại tài sản giá trị khác rất khó định lượng, nhưng theo tôi, là vô cùng lớn.

Điều này cũng không khó nhận ra khi trong thời gian qua, hàng loạt công ty đa cấp, huy động vốn đa cấp, đầu tư vào tiền ảo đã thu hút hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng trong dân chúng. Có rất nhiều người bị mất hàng chục tỷ đồng với đa cấp, tiền ảo, cho thấy rất nhiều người dân có tiền, nhưng đang bế tắc địa chỉ đầu tư.

Nếu Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua, tôi tin rằng, dòng vốn trong xã hội sẽ đổ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội, thay vì để cho các công ty bán hàng đa cấp, huy động vốn đa cấp, tiền ảo lừa đảo, chiếm đoạt.

Có ý kiến cho rằng, hiện đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên không nhất thiết phải xây dựng một luật riêng?

Phải nói một cách chính xác rằng, chúng ta có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung, nhưng với doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ có 2 chính sách hỗ trợ là Nghị định 56/2009/NĐ-CP và Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập theo Quyết định 601/2013/QĐ-TTg, với số vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, do tôi đang làm Chủ tịch. Nhưng cả 2 chính sách này vô cùng khó khăn khi đi  vào cuộc sống.

Tại các nước có nền kinh tế phát triển như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Thụy Sỹ…, với nhiều tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia, họ đều có rất nhiều cơ chế, chính sách được luật hóa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những nước trong khu vực có trình độ kinh tế cao hơn Việt Nam một bậc như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc… đều có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được hệ thống hóa trong các luật khác nhau.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, tất cả các quốc gia trên thế giới, không phân biệt trình độ phát triển kinh tế, đều coi doanh nghiệp nhỏ và vừa là xương sống của nền kinh tế, là chỗ dựa để phát triển kinh tế – xã hội, vì khu vực này có đóng góp rất lớn vào ngân sách nhà nước, tạo sản phẩm cho xã hội, đặc biệt là giải quyết công ăn việc làm.

Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo việc làm cho khoảng 60% số lao động trong khu vực doanh nghiệp, đóng góp 40% vào GDP, 30% vào ngân sách nhà nước, thưa Thứ trưởng?

Đúng vậy. Khoảng 60% người lao động trong khu vực doanh nghiệp có việc làm là nhờ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Và cũng nhờ có việc làm mà người lao động có thu nhập, có tiền để chi tiêu, qua đó phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Đóng góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa cho xã hội lớn như vậy, đổi lại họ nhận được những gì? Đó là 20% vốn tín dụng chính thức từ hệ thống ngân hàng và rất ít nguồn lực đất đai, tài chính, tài nguyên, khoán sản và nguồn lực xã hội khác mà đáng ra họ phải được hưởng nhiều hơn.

Hệ quả của việc chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa  là gì?

Ở các nước phát triển, cứ 50 người dân có 1 doanh nghiệp, ở các nước có trình độ kinh tế kém hơn thì cứ 100 người dân có 1 doanh nghiệp, bình quân trên thế giới cứ 50 người có một doanh nghiệp. Còn ở nước ta thì sao? Với hon 93 triệu dân, hiện có khoảng 1.032.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó số doanh nghiệp đang hoạt động chỉ vào khoảng 600.000. Trong khi đó đáng ra, chỉ cần bằng với các nước có trình độ kinh tế kém phát triển, thì chúng ta phải có ít nhất 930.000 doanh nghiệp.

Dư địa để tăng trưởng kinh tế dựa vào tài nguyên, khoáng sản, đầu tư từ ngân sách nhà nước, đầu tư từ vốn vay trong nước, vốn ODA, vốn tín dụng ngân hàng đang gần cạn kiệt, vì nợ công, bội chi, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ/thu ngân sách, nghĩa vụ trả nợ  nước ngoài/kim ngạch xuất khẩu, tín dụng ngân hàng/GDP… đều đã đến ngưỡng. Nếu không khai thông nguồn lực trong nước bằng cách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì nền kinh tế tăng trưởng dựa vào đâu?

Thưa Thứ trưởng, có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh ngân sách nhà nước rất căng thẳng, nếu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ khiến bội chi tiếp tục gia tăng?

Ngân sách nhà nước không cho doanh nghiệp nhỏ và vừa một đồng nào cả, mà chỉ là hỗ trợ, đúng ra là cung cấp dịch vụ công cơ bản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa gia nhập và rút khỏi thị trường, tín dụng, tài chính, công nghệ, mặt bằng sản xuất, xúc tiến và mở rộng thị trường, thông tin và tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, ươm tạo và cung ấp dịch vụ hỗ trợ.

Cụ thể, Nhà nước tạo môi trường, điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách để doanh nghiệp nhỏ và vừa gia nhập, rút khỏi thị trường, phát triển bình đẳng, bền vững và cạnh tranh lành mạnh nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư kinh doanh. Nhà nước khuyến khích đầu tư kinh doanh phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cụm công nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê mặt bằng để sản xuất, kinh doanh. Nhà nước tham gia đầu tư theo hình thức đối tác công tư thông qua bố trí quỹ đất và các nguồn lực khác để hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm, trong đó ưu tiên sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất…

Nói chung Nhà nước chỉ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng cơ chế, chính sách và hằng năm chi ra một số tiền không lớn để hỗ trợ trong việc đào tạo nguồn nhân lực, thông tin và tư vấn, khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đào tạo nghề cho người lao động…

Tuy nhiên, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn ngân hàng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau?

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không yêu cầu ngân hàng có bất cứ ưu đãi nào cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn, mà chỉ yêu cầu ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn, thông qua cung cấp khoản vay với lãi suất và thời hạn vay vốn phù hợp với khả năng thanh toán của doanh nghiệp nhỏ và vừa và tình trạng tài chính của ngân hàng; thiết kế điều kiện, quy trình, thủ tục cho vay phù hợp với đặc điểm, quy mô của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đa dạng hóa các hình thức cấp tín dụng phù hợp vơi nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Các quy định này không trái với Luật các Tổ chức tín dụng, các quy định của Ngân hàng Nhà nước và cũng không trái với nguyên tắc của thị trường.

Theo Mạnh Bôn - Báo Đầu tư