Giải phóng quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp: Cờ đang trong tay cơ quan chính quyền
Cộng đồng doanh nhân nói, chỉ cần được giải phóng quyền tự do kinh doanh, họ sẽ không ngần ngại đối mặt với mọi thách thức của thương trường để khẳng định vị trí. Nhưng, với các cơ quan quản lý nhà nước, thực hiện yêu cầu này vẫn không dễ.
Lời trần tình của Bộ trưởng
Không ngần ngại thừa nhận sự chậm trễ của Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại cuộc làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tuần trước, song Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng không né tránh nguyên nhân chính của việc này.
Ông trần tình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao trách nhiệm chủ trì soạn thảo, thành lập Ban soạn thảo, nhưng khi mời họp thì các bộ cử người không đúng, nay cử người này, mai người khác, chủ yếu mang tính soi xét xem có ảnh hưởng đến bộ mình không, chứ không mang tính xây dựng….
Có vẻ như, mục tiêu xây dựng chính sách để làm cơ sở, tạo động lực cho sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa – khu vực đang chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp của cả nước mà Chính phủ đặt ra cho dự án luật này chỉ là của Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo và cộng đồng doanh nghiệp… Thậm chí, đến những ngày cuối trước khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Dự thảo lên Chính phủ, doanh nghiệp vẫn vồn vã góp ý. Họ muốn chung tay tạo dựng một hệ sinh thái thuận cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đáng tiếc, mối quan hệ thiếu đồng thuận giữa các cơ quan quản lý nhà nước mà Bộ trưởng Dũng buộc phải đặt ra – rất có thể sẽ gây ra sự không hài lòng của không ít bộ, ngành – lại không phải chuyện riêng có với Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Vẫn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng trong vai trò chủ trì soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh liên quan tới 12 văn bản luật phải sửa đổi cũng đã phải nhắc tới mối lo về sự thỏa hiệp của các bộ, ngành về “quyền anh, quyền tôi” trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách.
Thậm chí, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tếTrung ước (CIEM) khi thảo luận về các nội dung cần sửa đổi đã phải thốt lên rằng: “Chẳng có bộ nào nhìn vào toàn bộ quy trình mà các nhà đầu tư phải đi, họ chỉ nhìn vào phần việc của bộ mình, ngành mình, nên lần nào phản biện ý kiến doanh nghiệp kêu ca cũng nói là quy trình rõ ràng, không có vấn đề gì…”.
Khi CIEM dựng lại mô hình hành trình các thủ tục hành chính của một dự án có sử dụng đất đai, có đầu tư xây dựng theo các quy định hiện hành, trong khá nhiều trường hợp, nhà đầu tư sẽ phải thực hiện nhiều lần thủ tục giống nhau, ở các cơ quan như nhau, nhưng theo các trình tự khác nhau do căn cứ văn bản luật khác nhau.
Vấn đề còn ở chỗ, đáng ra sự chồng chéo này không thể có khi mà các văn bản luật liên quan đều vừa được sửa đổi, bổ sung gần như cùng một thời điểm, năm 2014 và mới có hiệu lực vào tháng 7/2015, chỉ có Luật Đất đai được ban hành năm 2013. Trong ban soạn thảo các văn bản luật này có đầy đủ đại diện các cơ quan liên quan, về nguyên tắc có thể hóa giải mọi sự trùng lắp hay vướng mắc về thủ tục có liên quan…
Đương nhiên, hệ quả là cơ chế rối rắm sẽ tạo nên rối rắm trong thực thi. Quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp đang bị giằng co bởi vô vàn điều kiện không dễ gọi tên.
Đòi hỏi trách nhiệm
Trở lại câu chuyện của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án luật này vào tuần trước, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp gọi điện tới Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân để trao đổi về sự cần thiết của dự án luật. Thủ tướng đã nói là doanh nghiệp đang trông chờ sự sửa đổi lần này.
Với Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng tha thiết nói với Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng, dự án luật này sẽ được thông qua vì chậm ngày nào là thiệt thòi cho cộng đồng doanh nghiệp ngày ấy. Tất nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nhận trách nhiệm hoàn thiện theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dù thời gian còn lại theo yêu cầu không còn nhiều.
Thẳng thắn mà nói, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chọn việc khó, đúng như Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang nói và đang làm, đó là xóa bỏ tư duy việc gì dễ thì dành cho cơ quan nhà nước, cái nào khó thì đẩy về phía người dân, doanh nghiệp. Các công chức trong tổ thư ký của các ban soạn thảo các luật trên sẽ không có giờ nghỉ trong những ngày này, giống như thời gian họ đã trải qua khi tham gia góp ý, phản biện 50 dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh được gọi là cuộc cách mạng trong quy định về điều kiện kinh doanh hơn 3 tháng trước…
Trong bối cảnh này, có lẽ phải nhắc lại câu hỏi của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trước 1.000 cán bộ, công chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồi tháng 8/2016. Đó là tại sao chúng ta vẫn bị coi là tăng trưởng dưới tiềm năng? Tại sao nền kinh tế lại rơi vào tình thế chưa giàu đã già? Tại sao nợ công còn cao, bội chi còn lớn, nợ xấu chưa được giải quyết hiệu quả, chênh lệch giàu nghèo doãng ra…
“Các câu hỏi này đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ, phải hành động để trả lời, phải thay đổi tư duy để thực hiện trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp về kinh tế vĩ mô. Chúng ta phải hành động để lấy lại niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Cán bộ làm thêm giờ một chút, nhưng không để người dân, doanh nghiệp phải đợi”, Bộ trưởng Dũng nói với cán bộ của mình.
Nhưng, chắc chắn, một số ít thay đổi sẽ không làm nên điều mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang cam kết, đó là Chính phủ vì sự phát triển của người dân, doanh nghiệp. Ngay cả Thủ tướng Chính phủ cũng đã nói, ông cần sự ủng hộ mạnh mẽ và quyết liệt của cả bộ máy, từng công chức.
Ở góc độ môi trường kinh doanh, có lẽ ngọn cờ giải phóng quyền tự do kinh doanh đang nằm trong tay các công chức nhà nước trong bộ máy chính quyền.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt