Thứ Sáu, 26/08/2016 15:07:28 (GMT+7)

Giải ngân xấp xỉ 10 tỷ USD vốn FDI trong 8 tháng

Tính đến ngày 20/8/2016, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 9,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Giải ngân xấp xỉ 10 tỷ USD vốn FDI trong 8 tháng

Cục Đầu tư nước ngoài vừa chính thức công bố, tính đến 20/8 2016, cả nước có 1.619 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 9,79 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Ngoài ra, còn có 770 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,57 tỷ USD, bằng 83,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Như vậy, tính chung trong 8 tháng đầu năm 2016, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm là 14,366 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Bên cạnh đó, số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính đến ngày 20/8/2016, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 9,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Như vậy, đúng như dự đoán, cho tới tháng 8 này, thì tốc độ tăng vốn FDI cả đăng ký và giải ngân so với cùng kỳ năm trước đã chậm lại đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Lý do là vì, tháng 8 năm ngoái, đã bắt đầu xuất hiện dự án tỷ USD đầu tiên (dự án tăng vốn của Samsung Display – tăng vốn thêm 3 tỷ USD), kể từ đó, vốn FDI tăng tốc vào Việt Nam chứ không còn suy giảm như những tháng đầu năm.

Do vậy, những tháng cuối năm, nếu không có thêm nhiều dự án quy mô lớn, vốn FDI vào Việt Nam sẽ khó quay trở lại tốc độ tăng mạnh như những tháng đầu năm nay.

Năm ngoái, sau dự án của Samsung Display, dồn dập các dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư, từ Dự án Thành phố Đế Vương, vốn đầu tư 1,2 tỷ USD ở TP.HCM; Nhà máy Điện Duyên Hải 2, vốn đầu tư 2,4 tỷ USD tại Trà Vinh đến Dự án Nhà máy Sản xuất giấy bao bì Cheng Loong, vốn đầu tư 1 tỷ USD ở Bình Dương, và cuối năm là Dự án Samsung TP.HCM (SEHC) tăng vốn thêm 600 triệu USD.

Năm nay, mới chỉ có duy nhất dự án của LG Display là có vốn đăng ký trên 1 tỷ USD. Các dự án còn lại, quy mô lớn nhất cũng chỉ khoảng 300 triệu USD.

Theo dự báo của Cục Đầu tư nước ngoài, cả năm, vốn FDI đăng ký cũng chỉ tăng khoảng 10-15% so với năm ngoái, chứ không cao hơn được. Còn vốn giải ngân, sẽ vào khoảng 15 tỷ USD, cũng không tăng đột biến so với năm ngoái. Tuy vậy, kết quả này vẫn tiếp tục khẳng định sức hấp dẫn của điểm đến đầu tư Việt Nam trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2016, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất, với 678 dự án đầu tư đăng ký mới và 551 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 10,53 tỷ USD, chiếm 73,3% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 8 tháng.

Kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng thứ 2 với 34 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 836,2 triệu USD.

Còn nếu tính theo đối tác, 8 tháng qua, Hàn Quốc vẫn dẫn đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,8 tỷ USD, chiếm 33,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,679 tỷ USD, chiếm 11,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,46 tỷ USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư.

Theo Nguyễn Đức - Báo Đầu tư