Thứ Tư, 22/01/2014 8:25:46 (GMT+7)

“GDP theo tỉnh” – món nợ của ngành thống kê

Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, ông Nguyễn Đức Trí cho rằng, sự vênh nhau giữa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tổng sản phẩm của các địa phương (GRDP) là “món nợ” của những người làm công tác thống kê và hướng giải quyết tối ưu là nên để Tổng cục Thống kê tính toán, công bố GRDP.

Ông nói rằng, sự vênh nhau giữa GDP và GRDP là “món nợ” của ngành thống kê. Vậy, phải trả món nợ này bằng cách nào?

Không chỉ là “món nợ”, mà những người làm công tác thống kê luôn coi đây là “nỗi niềm đau đáu”. Để khắc phục sự vênh nhau này, cách tốt nhất là Tổng cục Thống kê đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bỏ luôn việc tính toán và công bố GRDP của các địa phương.

Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, ông Nguyễn Đức Trí

Theo tôi được biết, nhiều nước trên thế giới cũng không tính toán và công bố GRDP, những nước cũng thực hiện tính toán và công bố GRDP như Việt Nam đang có xu hướng bỏ tính toán và công bố GRDP.

Song địa phương phải xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm, 5 năm theo nhiệm kỳ, vậy nếu không công bố GRDP thì lấy gì làm thước đo để đánh giá, so sánh?

Theo tôi, nếu chưa thể bỏ ngay được, thì giải pháp tối ưu là chỉ có một cơ quan duy nhất là Tổng cục Thống kê tính toán và công bố cả GDP lẫn GRDP của 63 tỉnh, thành phố, thay vì như hiện nay, Tổng cục Thống kê tính toán và công bố GDP, còn Cục Thống kê các tỉnh, thành phố tính toán và công bố GRDP của địa phương mình.

Theo ông, khi nào nên thực hiện giải pháp trên?

Tôi nghĩ nên bắt đầu từ năm 2016 trở đi, bởi khi đó ở Trung ương cũng kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2015 để bắt đầu xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2016-2020. Tương tự, các tỉnh, thành phố cũng kết thúc thực hiện nghị quyết đại hội Đảng của địa phương giai đoạn 2011-2015 và bắt đầu xây dựng và triển khai Nghị quyết đại hội Đảng giai đoạn 2016-2020.

Tập trung tính toán và công bố GRDP ở một cơ quan duy nhất là vấn đề rất lớn, rất phức tạp và tác động đến chỉ tiêu tăng trưởng, ảnh hưởng đến việc đánh giá kết quả hoạt động, điều hành phát triển kinh tế – xã hội của tất cả địa phương, nên có rất nhiều việc phải chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Liệu có phiền phức gì nảy sinh, khi các tỉnh, thành phố không được tự tính GRDP của địa phương mình?

Tất nhiên là có! Ví dụ, trước đây GRDP của địa phương tăng trưởng hàng năm, tăng trưởng bình quân trong nhiệm kỳ 5 năm rất cao, nhiều tỉnh có tốc độ tăng GRDP hàng năm ở mức 2 con số, nhưng khi Tổng cục Thống kê thực hiện tính toán và công bố thì tốc độ tăng GRDP thấp hơn. Như vậy, thì chắc chắn lãnh đạo địa phương chưa hài lòng và có thể thắc mắc rằng: “Tại sao hoạt động sản xuất, kinh doanh của chúng tôi phát triển tốt thế này, mà tốc độ tăng trưởng GRDP lại thấp?”.

Còn ở dưới địa phương, khi không còn phải tính toán và chịu trách nhiệm công bố GRDP, khối lượng công việc của các cục thống kê được giảm đi đáng kể, nhưng chắc chắn, sẽ phải chịu áp lực rất lớn trong việc giải trình lãnh đạo địa phương về số liệu tăng trưởng GRDP do Tổng cục Thống kê công bố nếu số liệu GRDP “không sát” hoặc không cao hơn so với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm hoặc 5 năm đã được nghị quyết đại hội Đảng địa phương, HĐND địa phương thông qua.

Ngoài ra, còn vấn đề gì nữa có thể phát sinh không, thưa ông?

Theo hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, thì Tổng cục Thống kê tính và công bố số liệu GRDP vào 6 tháng đầu năm, ước tính cả năm và con số chính xác của cả năm. Trong khi đó, hiện nay, các cục thống kê địa phương đều xây dựng, tính toán và công bố số liệu GRDP hàng quý nhằm phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành cho lãnh đạo địa phương. Nếu không có số liệu hàng quý, thì địa phương gặp khó khăn trong việc chỉ đạo điều hành, còn nếu tính toán số và công bố số liệu hàng quý thì Tổng cục Thống kê chịu áp lực công việc rất lớn. Tuy nhiên, nếu quyết tâm và có giải pháp chắc chắn khắc phục được.

Ngoài ra, Tổng cục Thống kê tính toán và công bố GRDP, trong khi địa phương lại là cơ quan tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm trên địa bàn, nên nếu không có sự phối hợp chặt chẽ thì cũng nảy sinh phiền phức.

Những khó khăn, vướng mắc ở trên chỉ là “yếu tố kỹ thuật” và sẽ khắc phục được. Ông có tin rằng, khi Tổng cục Thống kê tính toán và công bố cả GDP lẫn GRDP sẽ không còn sự vênh nhau như hiện nay?

Thống nhất một đầu mối không chỉ khắc phục được chênh lệch giữa GDP và GRDP, mà số liệu do Tổng cục Thống kê công bố chắc chắn là chính xác, khoa học, công khai, minh bạch, khách quan hơn vì không chịu áp lực “phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội hàng năm và 5 năm” của các địa phương.

Tất nhiên, để làm được việc này, Tổng cục Thống kê còn rất nhiều việc phải làm và phải gánh vác một khối lượng công việc rất lớn, chịu áp lực về tính kịp thời, chính xác trong cung cấp GRDP.

Theo Mạnh Bôn - Báo Đầu tư