FDI dệt may ngày càng phình to
Hàng trăm triệu USD tiếp tục được các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngành dệt may rót vào mở rộng các nhà máy tại Việt Nam.
Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tính từ đầu năm 2015 đến nay, đã có 1,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực dệt may, cho thấy tốc độ gia tăng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài nhằm đón cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, riêng số vốn tăng thêm đã chiếm khoảng 70%, với hơn 900 triệu USD.
Cụ thể, sau một thời gian khảo sát, mới đây, Tập đoàn Panko (Hàn Quốc) đã khởi công xây dựng Nhà máy Dệt may Panko Tam Thăng tại Khu công nghiệp Tam Thăng (TP. Tam Kỳ, Quảng Nam). Nhà máy được xây dựng trên diện tích đất hơn 30 ha, với tổng vốn đầu tư 70 triệu USD, số lượng công nhân khoảng 15.000 người.
Nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm dệt, may, nhuộm và phụ liệu dệt may, với công suất mỗi năm là dệt khoảng 24.000 tấn, may 75 triệu sản phẩm, nhuộm 24.000 tấn, phụ liệu 30 triệu sản phẩm. Đây là nhà máy thứ tư của Panko tại Việt Nam. Tập đoàn này hiện diện tại Việt Nam từ năm 2002 với Công ty TNHH Panko Vina có nhà máy tại Khu công nghiệp Mỹ Phước I (Bình Dương).
Dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam từ khá sớm, Tập đoàn Panko không chỉ xây dựng nhà máy may xuất khẩu đơn thuần, mà đã thiết lập được chuỗi sản xuất khép kín khá bài bản, với 3 nhà máy dệt, nhuộm và may, thu dụng hơn 8.000 lao động. Toàn bộ sản phẩm tại chuỗi nhà máy được xuất khẩu sang Mỹ, EU, Nhật Bản.
Với trên 600 triệu USD đầu tư cho sản xuất sợi spandex, sợi polyester và công nghệ cao, Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (100% vốn đầu tư của Tập đoàn Hyosung – Hàn Quốc) là đơn vị dẫn đầu ngành về lượng vốn đầu tư tăng thêm. Hyosung hoạt động tại Việt Nam năm 2007, với 3 nhà máy tại Đồng Nai, chuyên sản xuất các loại sơi vải mành – nguyên liệu làm lốp xe ô tô, sợi spandex, sợi nylon, sợi thép và các loại sợi khác.
Theo ông Yoo Sun Hyung, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Hyosung Việt Nam, với dự án mở rộng sản xuất này, tổng vốn đầu tư của Hyosung tại Việt Nam đã nâng lên 1 tỷ USD. “Khoản vốn này tập trung vào đầu tư sản xuất các sản phẩm sợi công nghệ cao, có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đây là dự án để Công ty chớp các cơ hội lớn về thị trường khi các FTA mà Việt Nam là thành viên đã và sắp kết thúc đàm phán, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)”, ông Yoo Sun Hyung nói.
Hiện một số sản phẩm sợi chất lượng cao của Hyosung đã chiếm lĩnh khoảng 50% thị phần tại Mỹ và nhiều nước khu vực châu Âu, châu Á. Song Hyosung Việt Nam xác định phải liên tục cải tiến, nâng cao kỹ thuật công nghệ và đó là lý do để tập đoàn này đổ lượng vốn lớn cho đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Texhong, tập đoàn dệt may lớn của Trung Quốc đã có hàng tỷ USD đầu tư tại Việt Nam với hệ thống nhà máy sợi quy mô lớn ở Đồng Nai, Quảng Ninh cũng bày tỏ ý định tiếp tục đầu tư mở rộng tại Việt Nam. Ông Hồng Thiên Chúc, Chủ tịch Texhong cho hay, việc Texhong tập trung đầu tư tại Việt Nam là do các yếu tố cạnh tranh về giá nhân công và để đón đầu các cơ hội do TPP mang lại.
Tại một sự kiện mới đây của Vitas, ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Vitas cho rằng, tốc độ mở rộng đầu tư của doanh nghiệp FDI ngành dệt may quá mạnh, cả về vốn lẫn thời gian thực hiện. Trong khi đó, doanh nghiệp nội có vẻ đang nhỏ lại, dù một số vẫn đang tăng tốc đầu tư.
Đơn cử, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, một doanh nghiệp lớn của ngành dệt may, đã đầu tư 9.000 tỷ đồng từ nay đến năm 2017 để mở rộng sản xuất. Con số này chỉ tương đương hơn 400 triệu USD, không thấm tháp gì so với doanh nghiệp FDI. “Phải chăng lợi ích từ các FTA đang dồn hết cho doanh nghiệp FDI”, ông Cẩm lo ngại.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt