Thứ Ba, 08/04/2014 7:54:52 (GMT+7)

Dự án FDI: Quá nhỏ cũng lo, quá to cũng sợ

Bên cạnh tình trạng nhiều dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký với số vốn “khủng” đến mức khó tin, thì cũng có rất nhiều dự án FDI quy mô nhỏ đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Có nên như vậy?

Chưa có con số thống kê cụ thể trong quý I/2014, nhưng số liệu được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố mới đây rất đáng chú ý.

Xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều dự án fdi cỡ nhỏ và siêu nhỏ đã xảy ra từ năm 2012 (Ảnh: Đức Thanh)

Theo đó, năm 2013, trong số 1.530 dự án FDI cấp mới, có 5 dự án có vốn đầu tư trên 1 tỷ USD, chiếm tới 53,5% vốn đầu tư cấp mới của năm. Còn lại 47,5% vốn đầu tư là những dự án có quy mô vốn nhỏ và vừa.

Trong đó, dự án có vốn đầu tư trên 10 triệu USD chỉ chiếm 9% số dự án và 35% vốn đầu tư. Riêng những dự án có vốn đầu tư với quy mô vốn nhỏ dưới 1 triệu USD chiếm 59,3% số dự án đăng ký, nhưng chỉ chiếm 2% vốn đầu tư.

Như vậy, trong tổng số 1.530 dự án FDI được cấp mới vào Việt Nam trong năm 2013, có hơn 900 dự án có vốn đầu tư dưới 1 triệu USD, một con số không hề nhỏ, thể hiện ưu thế rõ ràng của các dự án quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, với mục tiêu hàng đầu là thu hút các dự án có công nghệ cao, công nghệ nguồn, hay các dự án có sức lan tỏa đến kinh tế – xã hội Việt Nam, thì có nên chấp nhận các dự án quy mô quá nhỏ như vậy?

“Đã đến lúc chúng ta có quyền lựa chọn dự án đầu tư và các địa phương có thể nói ‘không’ với các dự án không phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của địa phương mình”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư nói và cho rằng, dù không thể nói rằng, các dự án quy mô nhỏ là không cần thiết và kém hiệu quả, nhưng cũng cần xem lại nếu như số lượng các dự án quy mô dưới 1 triệu USD quá lớn như vậy.

“Phải nghiên cứu kỹ xem hơn 900 dự án nói trên tập trung trong những lĩnh vực nào là chủ yếu. Những dự án trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ, tư vấn thì có thể không cần vốn lớn. Nhưng cũng không nên ‘vơ bèo vạt tép’, nếu như đứng trên định hướng muốn thu hút các dự án công nghệ cao. Chúng ta cũng cần phải dành đất cho các doanh nghiệp trong nước trong những lĩnh vực mà họ có điều kiện phát triển”, ông Mại nói.

Đồng quan điểm, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chuyên gia kinh tế Cao Viết Sinh cũng cho rằng, cần phải xem lại cơ cấu ngành đối với các dự án đầu tư này, cũng như xem xét suất đầu tư/ha đất của các dự án đầu tư quy mô nhỏ.

“Những năm gần đây, nhiều dự án trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được cấp phép, nên có thể, quy mô dự án sẽ nhỏ. Các dự án tư vấn, dịch vụ cũng thường có quy mô nhỏ. Hơn nữa, đó chỉ là vốn đăng ký, còn vốn kinh doanh của nhà đầu tư có thể sẽ lớn hơn thế”, ông Sinh nói, đồng thời cho rằng, khó có tình trạng “vơ bèo, vạt tép”, vì hiện nay, địa phương nào cũng chật hẹp quỹ đất, nên cũng sẽ cân nhắc lựa chọn dự án đầu tư.

Xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều các dự án FDI cỡ nhỏ, thậm chí siêu nhỏ không phải mới xuất hiện trong năm ngoái, mà đã gia tăng trong năm 2012. Vào thời điểm cuối năm 2012, UBND TP. Đà Nẵng thậm chí còn có văn bản đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh quy mô đăng ký vốn dự án FDI, nhằm sàng lọc nhà đầu tư, nâng cao chất lượng dự án FDI.

Theo thông tin được ông Phùng Tấn Viết, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng công bố lúc ấy, thì tại Đà Nẵng đã có trường hợp một số nhà đầu tư nước ngoài tìm cách lưu trú tại Việt Nam để tìm cơ hội việc làm mới bằng cách lập các dự án có quy mô nhỏ, vốn đầu tư ít, sau khi tìm được việc làm thì xin giải thể doanh nghiệp. Có những dự án quy mô vốn đăng ký chỉ 5.000 – 7.000 USD, chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn, công nghệ thông tin… và hoạt động không hiệu quả.

Ở TP.HCM, Hà Nội, theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư điện tử – Baodautu.vn, thì dù không có trường hợp như Đà Nẵng, nhưng các thông tin cho biết, cũng có những dự án FDI có vốn đầu tư nhỏ một cách bất thường, mục tiêu kinh doanh mờ nhạt.

Theo Hà Nguyễn - Báo Đầu tư