Thứ Bảy, 25/01/2014 8:29:46 (GMT+7)

Dòng kiều hối hướng vào đầu tư sản xuất

Gần 70% kiều hối được đầu tư vào sản xuất kinh doanh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kiều bào và lao động xuất khẩu đông đảo, cộng với nhiều chính sách thông thoáng đã giúp lượng kiều hối về Việt Nam tăng mạnh liên tục. Số liệu thống kê cho thấy nếu năm 2010, lượng kiều hối về Việt Nam đạt mức 8,26 tỉ USD thì đến năm 2011 đã tăng 9 tỉ USD.

Năm 2012, con số này cán mức 10 tỉ USD, đưa Việt Nam lọt vào danh sách 10 nước nhận kiều hối cao nhất thế giới. Đến năm 2013, Việt Nam tiếp tục đón dòng kiều hối lên đến 11 tỉ USD, cao hơn so với mức dự báo 10,6 tỉ USD của Ngân hàng Thế giới (WB) và tiếp tục đứng trong danh sách 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.

Đáng lưu ý là kiều hối không còn tập trung vào lĩnh vực bất động sản (BĐS).
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã thực hiện khảo sát 4.000 hộ nhận kiều hối năm 2011, kết quả cho thấy 52% lượng kiều hối được đầu tư vào lĩnh vực BĐS, trong đó, phân khúc được tập trung nhiều nhất là BĐS nghỉ dưỡng. Các ưu tiên tiếp theo là gửi tiết kiệm và tiêu dùng.

Sang năm 2013, thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho thấy kiều hối trên địa bàn đầu tư vào BĐS 10 tháng cuối năm chỉ còn 21%, giảm mạnh so với mức 52% của năm 2011 và mức 23% của năm 2012. Trong khi đó, gần 70% kiều hối được đầu tư vào sản xuất kinh doanh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể.

Báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô năm 2014 của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển cũng nhận định kiều hối đang có sự dịch chuyển tích cực vào các hoạt động sản xuất kinh doanh thay vì đổ vào thị trường BĐS. Xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2014 khi dòng kiều hối tiếp tục tăng thêm 10%.

Theo Công Trí - Báo điện tử Chính phủ