Dồn dập tham gia Vietnam Expo 2016 để tận dụng các FTA
Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang thể hiện tốc độ bắt kịp xu hướng cạnh tranh khốc liệt khi Việt Nam tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do
Năm 2016 được đánh giá là năm bản lề của nền kinh tế
khi Việt Nam khi đã có những bước hội nhập mạnh mẽ, với các nước trong khu vực và thế giới thông qua việc gia nhập Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) và các Hiệp định Thương mại tự do được ký kết như như FTA – EU, FTA – Hàn Quốc, TPP…
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc tham gia các FTA này sẽ là đòn bẩy giúp doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường thế giới một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, hội nhập cũng khiến nhiều đơn vị rơi vào tình trạng khó khăn nếu không bắt nhịp kịp xu hướng cũng như thay đổi chiến lược kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm hiểu về công cụ kết nối giao thương, tư vấn chính sách đầu tư và nâng cao năng lực thiết kế cho doanh nghiệp và sản phẩm, Hội chợ Vietnam Expo 2016 đã và đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Khác với mọi năm, Vietnam Expo 2016 sẽ diễn ra từ 13-16/4 tới đây đã thu hút hơn 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước, với 600 gian hàng đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ… thuộc các lĩnh vực máy móc thiết bị, vật liệu xây dựng, nguyên phụ liệu, thực phẩm đồ uống, gia dụng… Đặc biệt, các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia (Vietnam Value) năm nay đã không bỏ lỡ cơ hội giao thương quan trọng này, với 24 gian hàng.
Với các doanh nghiệp nước ngoài, Vietnam Expo đã thực sự trở thành sân chơi lớn, với nhiều kế hoạch thâm nhập thị trường.
Cách đây gần 1 năm, Kingenta Group (Trung Quốc) bắt đầu khảo sát và thâm nhập thị trường phân bón Việt Nam. Tháng 8/2015, tập đoàn này chính thức mở văn phòng đại diện đầu tiên tại TP.HCM.
Đại diện tập đoàn này cho hay, trong những năm qua, thị trường phân bón ở Việt Nam cạnh tranh khá gay gắt, việc nới lỏng chính sách tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ đầu tư vô hình lại tạo ra hàng loạt những doanh nghiệp làm ăn chộp giật, đưa ra thị trường những sản phẩm được sản xuất cẩu thả, chất lượng kém. Đó là chưa kể đến hàng loạt những doanh nghiệp sản xuất phân bón giả, người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là bà con nông dân và đồng thời cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến những doanh nghiệp làm ăn uy tín.
Thách thức lớn nhất hiện nay của Kingenta nói riêng cũng như các tập đoàn phân bón lớn nói chung là việc thay đổi nhận thức, tập quán bón phân của người dân. Bởi bà con nông dân đang thiếu các nguồn thông tin chính thống, thiếu kiến thức để phân biệt chất lượng phân bón, dẫn tới việc chuộng những sản phẩm kém chất lượng. Trong khi đó, các đại lý bán lẻ cũng vì lợi nhuận cao mà bán tràn lan các dòng sản phẩm trôi nổi.
Hiện Kingenta chưa có kế hoạch đầu tư nhà máy sản xuất phân bón công nghệ cao tại Việt Nam, nhưng để giảm thiểu chi phí, giảm giá thành sản phẩm trong tương lại tập đoàn này phải cân nhắc đến việc đầu tư nhà máy sản xuất. Trước mắt, để tăng sự nhận diện thương hiệu và tìm kiếm đối tác tại thương mại tại Việt Nam, tập đoàn này đã tìm đến Vietnam Expo 2016.
Các hiệp định thương mại giữa các nước như FTA hay TPP đang dần xóa bỏ bức tường thuế quan. Đặc biệt với sự tham gia tích cực của Việt Nam, luôn đáp ứng và biến hóa nhanh hơn các thị trường lân cận, nên các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc đang coi Việt Nam sẽ là nước đi đầu trong thị trường Asean hay khu vực Đông Dương.
Công ty TNHH Aladdin Vina là công ty con của Công ty Transon Korea, chuyên nhập khẩu và phân phối các mặt hàng gia dụng và thiết bị điện tử thông minh của Hàn Quốc như nắp bồn cầu xịt rửa tự động, khóa điện tử phục vụ nhu cầu thiết yếu cuộc sống của con người. Công ty này mới thành lập ở Việt Nam từ tháng 9/2015 nhằm thay đổi thói quen vệ sinh của người dân bằng các dòng sản phẩm thiết bị vệ sinh tự động (Bidet).
Đại diện công ty này cho hay, Hiệp định FTA và TPP đã được thông qua nhưng chỉ có một số sản phẩm như đồ gia dụng và ôtô được phân loại là sản phẩm được bãi bỏ thuế quan đến năm 2025. Riêng về sản phẩm Bidet đang bị tính thuế nhập khẩu cao nên gặp khó khăn trong vấn đề phân phối sản phẩm ở thị trường Việt Nam. Đây là thách thức đối với nhà phân phối này khi phải tìm cách cạnh tranh so với các sản phẩm được sản xuất nội địa.
Hiện các sản phẩm nắp bệt cầu điện tử mang thương hiệu Nhật Bản như TOTO, INAX, hay thương hiệu Caesar (Đài Loan), Viglacera đang được phân phối khá rộng rãi trên thị trường Việt Nam. Do đó, việc tham gia Vietnam Expo 2016 sẽ giúp Aladdin Vina tìm kiếm cơ hội gặp gỡ và hợp tác đầu tư và giới thiệu đến người tiêu dùng những sản phẩm độc đáo, chất lượng tốt nhất với công nghệ tiên tiến với giá cả cạnh tranh.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt