Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước trong phát triển kinh tế – xã hội
Ngày 24/3/2022, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp Nhà nước trong phát triển kinh tế – xã hội” do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Nhà nước phải tạo môi trường, tạo không gian, hệ sinh thái doanh nghiệp phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với hoàn cảnh đất nước. Hệ sinh thái đó phải sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sự vật luôn chuyển động, có thể hôm nay việc này chúng ta làm là đúng, nhưng ngày mai việc đó có khi không đúng hoặc ngày hôm nay không đúng nhưng ngày mai lại đúng. Do đó, tư duy phải rất uyển chuyển, linh hoạt. Nhà nước phải tạo hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp từ việc đổi mới tư duy giữa quản lý chặt chẽ với phát triển hài hòa, hợp lý, thông qua cơ chế, chính sách, sự quan tâm, chia sẻ, trân trọng, cương quyết và nhất quán.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 35 năm đổi mới của đất nước, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) luôn được xác định là lực lượng quan trọng của thành phần kinh tế nhà nước, có đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội. Trong bối cảnh các doanh nghiệp trên thế giới đang chuyển đổi mạnh mẽ để nắm bắt các cơ hội, thích ứng với xu hướng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển xanh và bền vững, việc nhìn nhận, đánh giá về vị trí, vai trò của DNNN để xác định rõ các giải pháp nhằm huy động nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng của DNNN đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội là vô cùng cần thiết.
Đến hết năm 2020, Việt Nam còn khoảng gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn đang tập trung hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực: quốc phòng an ninh; nông, lâm nghiệp và công trình thủy lợi; Hoạt động xổ số… Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn chủ yếu hoạt động trong các ngành: Nông lâm, kết cấu hạ tầng cảng biển, giao thông và sản xuất kinh doanh, hoạt động công ích.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 08 doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có 05 doanh nghiệp Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 03 Công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Các DNNN trên địa bàn tỉnh sau khi sắp xếp, cổ phần hóa đều hoạt động có hiệu quả, có đóng góp đối với NSNN và GRDP của tỉnh mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 0,02% GRDP) do chủ yếu là hoạt động công ích. DNNN tích cực tham gia thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt trong đại dịch Covid-19, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng DNNN đã thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong việc góp phần bình ổn giá như hỗ trợ giảm giá điện, nước, cước viễn thông nhằm đảm bảo chính sách an sinh xã hội của Nhà nước đối với người dân bị ảnh hưởng./.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt