Thứ Sáu, 13/03/2015 8:01:58 (GMT+7)

Doanh nghiệp Việt phải “tự cứu mình” bằng đổi mới công nghệ

2015 là một năm quan trọng khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Cùng với những cơ hội, việc hội nhập cũng tạo ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt với những doanh nghiệp ít chú trọng tới việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất…

Doanh nghiệp Việt phải “tự cứu mình” bằng đổi mới công nghệ

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng doanh nghiệp Việt phải tập trung đổi mới công nghệ để tạo ra sản phẩm cạnh tranh nếu không muốn mất thị trường. (Nguồn: TTXVN)

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về vấn đề này.

Nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu

– Theo Bộ trưởng, trình độ khoa học công nghệ của doanh nghiệp Việt đang đứng ở đâu trong mặt bằng chung của ASEAN? 

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Năm 2015, Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Đó là việc tham gia Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC), ký hiệp định Thương mại tự do (AFTA) với Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan, Liên minh châu Âu; Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP) với 11 quốc gia…

Đặc biệt, khi tham gia vào AEC, trình độ công nghệ và năng lực doanh nghiệp của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, vì khi đó chúng ta phải từng bước dỡ bỏ hàng rào thuế quan, hàng hóa của các nước thành viên sẽ được tự do lưu thông trong khối ASEAN.

Khi đó, theo quy luật của kinh tế thị trường, hàng hóa có chất lượng tốt, có thương hiệu uy tín, giá cả hợp lý sẽ tồn tại và ngược lại. Để có thể cạnh tranh bình đẳng, tự do trong một thị trường 600 triệu dân, doanh nghiệp Việt Nam phải có trình độ công nghệ tương đương với các nước trong khu vực.

Hiện nay, Việt Nam và Singapore được đánh giá là hai quốc gia nỗ lực nhất cho việc chuẩn bị AEC vào cuối năm nay. Một số quốc gia khác có thể tự tin vào hệ thống doanh nghiệp và trình độ công nghệ của họ nên dường như không vội vàng. Việt Nam tích cực hơn vì có sự lo lắng khi trình độ công nghệ còn lạc hậu, năng lực sản xuất yếu, vốn đầu tư thiếu… Với Singapore thì khác, đây là quốc gia nhỏ, dân số ít và kinh doanh thương mại là chính nên mặc dù có tiềm lực kinh tế mạnh nhưng họ vẫn cần sự chuẩn bị chu đáo và khẩn trương.

Tôi cho rằng, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh và việc đầu tư cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp sẽ quyết định sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp, việc ứng dụng khoa học công nghệ là rất yếu. Doanh nghiệp Việt chưa gắn được sản xuất kinh doanh của mình với hệ thống viện nghiên cứu, trường đại học.

Bản thân doanh nghiệp là nguồn cầu của thị trường công nghệ, nhưng chưa gắn với nguồn cung nên nhiều công nghệ trong nước đã có nhưng doanh nghiệp không sử dụng. Thậm chí, có doanh nghiệp còn bỏ tiền ra mua ở nước ngoài với giá thành rất đắt và trình độ không phù hợp, khiến không sử dụng được hoặc bị lừa gạt mua phải công nghệ lạc hậu.

Ngoài ra, việc kết nối cung cầu của thị trường công nghệ rất yếu, toàn bộ định chế trung gian trong thị trường công nghệ giúp doanh nghiệp đến với viện nghiên cứu, trường đại học là không có.

Mười năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã rất cố gắng làm việc này nhưng mới thành công ở bước đầu là thiết lập được thể chế, tổ chức một số hoạt động như các chợ công nghệ thiết bị (Techmart) quốc gia, quốc tế, khu vực, sự kiện kết nối cung cầu, sàn giao dịch công nghệ, xúc tiến thành lập một số tổ chức dịch vụ trung gian… Tuy nhiên, việc này còn rất sơ khai nên nhiều doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận với nguồn cung công nghệ trong nước.

Một trong những điểm mấu chốt là sự quan tâm của doanh nghiệp cho đổi mới công nghệ còn rất hạn chế. Hầu như doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa dành nguồn đầu tư thích đáng cho việc đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ.

Bởi thế, khoa học công nghệ trong nhiều doanh nghiệp đang ở trình độ còn rất thấp, thuộc thập niên 70-80 của thế kỷ trước nên đã hạn chế năng suất lao động của người Việt Nam. Do đó, khi hội nhập, sản phẩm của ta sẽ rất khó để cạnh tranh.

Phải dồn lực để đổi mới

Một công đoạn trong dây chuyền hiện đại của Viettel. (Ảnh minh họa: T.Hiền/Vietnam+)

– Bộ trưởng có lời khuyên gì dành cho các doanh nghiệp Việt Nam?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Như đã nói, khi chúng ta gia nhập AEC thì cơ chế bảo hộ sản xuất trong nước phải có lộ trình giảm dần. Tuy nhiên, lộ trình giảm dần mức bảo hộ (nếu có) cũng là khoảng thời gian quá ngắn để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tự cứu mình.

Vì thế, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp phải khẩn trương thắt lưng buộc bụng, dốc toàn bộ nguồn lực để đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh để tồn tại.

– Theo Bộ trưởng, lĩnh vực nào chúng ta có thế mạnh, lĩnh vực nào cần phải đổi mới nhanh hơn?

Bộ trưởng Nguyễn Quân:
 Trong ba lĩnh vực nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ thì nông nghiệp chúng ta có thế mạnh nhất nhưng lại có nhược điểm là giá trị gia tăng thấp, tỷ trọng nông nghiệp trong nền kinh tế cũng thấp dần trong quá trình công nghiệp hóa.

Trong lĩnh vực công nghiệp, chúng ta bắt đầu có thế mạnh trong một vài lĩnh vực hẹp như thiết kế, xây dựng nhà máy thủy điện (dẫn đầu ASEAN), giàn khoan dầu khí (chỉ đứng sau Singapore trong ASEAN), công nghiệp điện tử… Nếu chúng ta tập trung cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực ấy thì sẽ giữ được vị thế nhất định trong ASEAN.

Về dịch vụ, thứ hạng của Việt Nam trong ASEAN là thấp. Mảng này cần phải có hệ thống đào tạo nguồn nhân lực tốt và tôi cho rằng về dài hạn phải tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ.

– Thưa Bộ trưởng, có kênh nào để kết nối doanh nghiệp với những đơn vị, tổ chức có công nghệ?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Thấy trước nhu cầu này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ với mục đích là phát triển thị trường công nghệ còn yếu kém hiện nay.

Tuy nhiên, vai trò của Cục này còn mờ nhạt, chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của doanh nghiệp, vì đây là đơn vị rất mới, nội dung hoạt động còn mới và thị trường công nghệ cũng là thị trường sinh sau đẻ muộn ở Việt Nam.

Cục Thông tin khoa học và công nghệ Quốc gia bên cạnh việc tổ chức các Techmart, sàn giao dịch đã xây dựng cơ sở dữ liệu công khai kết quả nghiên cứu của các viện, trường.

Để hỗ trợ thị trường công nghệ phát triển, bên cạnh việc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia và lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ – thông qua các nguồn lực hỗ trợ quốc tế là các dự án của Ngân hàng Thế giới, Phần Lan, Bỉ… đã đưa công nghệ đến doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực để làm chủ công nghệ, thuê chuyên gia về công nghệ hỗ trợ…

Từ 2009, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã triển khai mạng lưới cơ quan đại diện ở 12 quốc gia có nền khoa học nghệ tiên tiến để hỗ trợ tìm kiếm công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp đặt hàng công nghệ gì có thể thông qua các cơ quan ấy trợ giúp, kết nối với nguồn công nghệ ở nước ngoài.

– Cụ thể hơn, nếu một doanh nghiệp muốn đổi mới công nghệ, họ phải tìm đến đâu?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ có thể tìm đến Cục Thông tin khoa học và công nghệ Quốc gia, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) hoặc Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam. Tại các địa chỉ trên, doanh nghiệp có thể tìm hiểu xem sản phẩm cùng loại ở các nước ASEAN đang được sản xuất ở trình độ công nghệ nào, có thể tiếp cận công nghệ và thiết bị ở đâu và nguồn lực đầu tư là bao nhiêu, để từ đó có phương án đầu tư đổi mới công nghệ.

– Xin cảm ơn Bộ trưởng! 

Theo Trung Hiền - Báo Vietnam+