Doanh nghiệp Việt – Mỹ: Hãy đi cùng nhau để tiến xa hơn
Chọn chủ đề “Đưa quan hệ thương mại và đầu tư tới nấc thang mới”, AmCham và VCCI đã gắn chặt trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong việc hiện thực hóa các cam kết của hai Chính phủ.
Chìa khóa mang tên TPP
Không phải ngẫu nhiên, những nhân vật có thể nói là quan trọng nhất trong sự hình thành của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ở phía Mỹ và Việt Nam đều xuất hiện tại Cuộc gặp Doanh nghiệp Việt – Mỹ do Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cuối ngày 23/5, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Ở phía Mỹ, đó là ông Michael Froman, Đại diện Thương mại Mỹ, người được mệnh danh là Kiến trúc sư của TPP. Ở phía Việt Nam là Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn Đàm phán TPP của Việt Nam.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà những vấn đề đằng sau các lễ ký kết, từ những quan điểm trái chiều trong Quốc hội Mỹ, đến tầm nhìn chiến lược của hai bên, có cả những lý giải về cam kết mạnh mẽ lần đầu tiên được đưa ra như việc chấp nhận bỏ thuế với các loạt thịt, sản phẩm nông sản của Mỹ khi nhập khẩu vào Việt Nam, điều mà cả Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) không thuyết phục được Việt Nam…, đã được những người trong cuộc của TPP thổ lộ.
“Chúng tôi muốn biến TPP thành hiệp định đối tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ. Đó đang là đích đến của hai Chính phủ, nhưng sẽ là công việc của từng doanh nghiệp khi xây dựng từng viên gạch nhỏ trên con đường cao tốc TPP”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI lý giải về nội dung mà ông và bà Virginia Foote, Chủ tịch AmCham đã dày công nghiên cứu và xây dựng trước cuộc gặp này. Doanh nghiệp muốn biết rõ mọi việc để sẵn sàng cho các kế hoạch thực thi.
Trong số nhiều câu hỏi của doanh nghiệp hai bên đã được gửi tới những yếu nhân của TPP, mối quan tâm nhiều nhất là tiến độ thông qua, khả năng thực thi cam kết của các thành viên ra sao. Có cả những mối lo về cơ hội phải chăng đang nghiêng về một số thành viên, chứ không chia đều cho tất cả…
Thậm chí, ông Michael Froman cũng đã nhận được câu hỏi về khả năng không đạt được số thành viên phê chuẩn để TPP được chính thức thông qua, rồi cả khó khăn của nước Mỹ trong tiến trình này khi cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần… Nếu phương án xấu này xảy ra, mọi cơ hội mà các bên đã cất công đàm phán và kỳ vọng sẽ quay về số 0.
“Các quốc gia đều có quy trình riêng, có thủ tục phê chuẩn khác nhau. Chính vì vậy, chúng tôi phải trao đổi thường xuyên với các đối tác để cập nhật thông tin. Ở Mỹ, tôi đã dành thời gian để trao đổi với các nghị sỹ và nhận được nhiều trả lời tích cực. Chúng tôi lạc quan về việc sẽ nhận được sự ủng hộ cần thiết”, ông Froman chia sẻ và nhắc tới sự có mặt của các nghị sỹ Thượng viện Mỹ tại cuộc gặp doanh nghiệp hai nước, đó là Thượng nghị sỹ Tom Carper của bang Delaware và hai thượng nghị sỹ Joaquin Castro và Beto O’Route của bang Texas.
“Các thượng nghĩ sỹ đang có mặt ở đây với cộng đồng doanh nghiệp là một thông điệp tích cực và quan trọng. Họ chính là những người sẽ giữ lửa cho TPP trong các cuộc làm việc của Quốc hội Mỹ”, ông Forman trấn an các doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Trần Quốc Khánh cũng có thông tin tích cực về thủ tục và tiến độ phê chuẩn của Quốc hội Việt Nam.
“Khi quyết định tham gia TPP – hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những tiêu chuẩn rất cao, Việt Nam muốn gửi đi thông điệp rằng, Việt Nam muốn trở thành địa chỉ hấp dẫn cả với đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài”, ông Khánh nhấn mạnh.
Cơ hội của cộng đồng doanh nghiệp
Được chọn là những người giới thiệu lịch trình làm việc của Cuộc gặp Doanh nghiệp Việt – Mỹ, các đại diện đến từ những tập đoàn lớn của nước Mỹ đang hiện diện tại Việt Nam đã tranh thủ tuyên bố những cam kết đầu tư mới tại Việt Nam.
Đó là tuyên bố về Dự án Hồ Tràm sẽ nâng vốn đầu tư từ 740 triệu USD hiện nay lên 1 tỷ USD. Coca Cola cũng chọn con số 1 tỷ USD để cam kết kế hoạch đầu tư tại Việt Nam tới năm 2020, so với 700 triệu USD hiện tại…
Những cam kết sẽ còn dày lên khi cơ hội tận dụng hiệu quả nhất các cam kết của TPP đang được cho là từ các doanh nghiệp lớn, với thế mạnh về nguồn lực, vị trí đứng đầu các chuỗi sản xuất…
Nhưng, ông Vũ Tiến Lộc, người đại diện cho phía doanh nghiệp Việt Nam tại cuộc gặp này lại có mối quan tâm khác: đó là cơ hội của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong mục tiêu mà các thành viên TPP đang nhắm tới.
“Trong qua trình đàm phán và thực hiện TPP tới đây, các chính phủ, trong đó có Chính phủ Việt Nam và Mỹ đều nhắc tới đích đến là “không để ai bị bỏ lại trên con đường cao tốc TPP”. Doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ nông dân là những đối tượng sẽ cần sự quan tâm hơn để không bị bỏ lại”, ông Lộc chia sẻ quan điểm.
Đây là lý do ông dành toàn bộ thời gian phát biểu của mình với cộng đồng doanh nghiệp Việt – Mỹ để đề xuất cách thức làm thế nào để doanh nghiệp nhỏ và vừa các nước kết nối được với nhau, để doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kết nối được với các tập đoàn xuyên quốc gia, các tập đoàn lớn của Mỹ.
Nếu nhìn vào những gương mặt doanh nghiệp Việt có mặt tại cuộc gặp này, có thể hiểu, đây sẽ là một chìa khóa quyết định việc hiện thực hóa cơ hội mang tên TPP của phía doanh nghiệp Việt Nam. Lý do là, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có mặt tại Cuộc gặp dù là những thương hiệu được biết tới của Việt Nam, song vẫn có thể gọi là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa so với các tập đoàn xuyên quốc gia.
Có thể nhắc tới sự có mặt của bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG; ông Nguyễn Xuân Thành, Chủ tịch Tập đoàn Xuân Thành; ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái; ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty Đầu tư GP Invest; ông Nguyễn Duy Chính, Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành…
Cùng với đó là sự có mặt của một số hiệp hội, như Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam…
“Chúng tôi rất ấn tượng với biểu ngữ có ba chữ jobs (việc làm) được căng ở trụ sở AmCham tại Mỹ. Đây cũng là câu được VCCI lựa chọn để trưng tại tòa nhà của VCCI tại Hà Nội. Chúng ta đang cùng có mục tiêu chung là tạo việc làm cho người lao động, có nghĩa là thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp. Câu trả lời ở đây chính là sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Lộc gửi thông điệp tới cộng đồng doanh nghiệp Mỹ.
Cũng phải nói thêm, 3 tuần trước, VCCI và Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Việt đã ký chương trình hợp tác doanh nghiệp nhỏ và vừa hai bên, để xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn. Ông đang kỳ vọng sẽ có thêm các chương trình hỗ trợ tương tự cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, bên cạnh những nỗ lực đang rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc phải vươn lên các chuẩn mực rất cao của TPP.
“Chúng tôi mong muốn hai Chính phủ hợp tác chặt chẽ với nhau trong thực thi TPP, sự sẵn sàng của các doanh nghiệp lớn, để hai bên cùng có lợi, bổ sung cho nhau, các doanh nghiệp không phải cạnh tranh trực diện”, ông Lộc đề xuất.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt