Thứ Hai, 22/08/2016 17:01:35 (GMT+7)

Doanh nghiệp trông đợi những thứ rất cụ thể

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng còn khoảng cách xa từ chủ trương, chính sách đến thực tiễn cải cách, rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu và doanh nghiệp (DN) trông đợi vào những cam kết cụ thể của Chính phủ, bộ, ngành.

Doanh nghiệp trông đợi những thứ rất cụ thể

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Cục Hải quan TPHCM, các bộ, ngành cùng đại diện nhiều DN, hiệp hội DN. Ảnh: VGP/Đình Nam

Ngày 18/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đi thị sát hoạt động kiểm tra chuyên ngành, thông quan hàng hóa tại cảng Cát Lái và làm việc với Cục Hải quan TPHCM, các bộ, ngành cùng đại diện nhiều DN, hiệp hội DN.

Lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM cho biết cả năm 2015, đơn vị phát hiện 76 vụ vi phạm, phạt 0,019% trên tổng số tờ khai kiểm tra chuyên ngành trong năm. Quý I/2016, có 11 vụ vi phạm, chiếm 0,0089% trên tổng số tờ khai kiểm tra chuyên ngành trong quý, trong khi số tờ khai phải kiểm tra chuyên ngành thì quá nhiều.

Riêng trong 3 tháng đầu năm 2016, tổng số tờ khai nhập khẩu là 309.185 tờ, số tờ khai phải kiểm tra chuyên ngành là 123.283 tờ (bằng 39,87%). Kết quả này cho thấy quy định về kiểm tra chuyên ngành hiện nay không hiệu quả và hiệu lực. Chi phí mà DN phải bỏ ra trả cho các cơ quan kiểm tra chuyên ngành là rất lớn và trở thành gánh nặng cho DN, nhưng lớn hơn rất nhiều lần đó là chi phí cơ hội mà DN phải chịu vì thời gian thông quan bị kéo dài, DN sẽ không thể đưa hàng hóa vào sản xuất, kinh doanh kịp thời, làm giảm sức cạnh tranh của DN.

Với mong muốn lắng nghe trực tiếp ý kiến từ các cán bộ hải quan, đại diện DN, Phó Thủ tướng nhấn mạnh “tinh thần thẳng thắn, không nể nang, xác định rõ những gì thuộc trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan hải quan…”.

Rắc rối đến khó hiểu

Đại diện một số hiệp hội DN nêu hàng loạt bất hợp lý, vướng mắc cụ thể từ các quy định kiểm tra chuyên ngành hiện nay.

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Logistic Việt Nam Đặng Vũ Thành đã đưa ra nhiều đề xuất nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa như: Áp dụng kiểm tra xác suất, nguyên tắc một cửa; công nhận quốc tế, công nhận chứng từ điện tử…

Ông Thành cho biết không chỉ DN trong nước mà các đối tác nước ngoài cảm thấy “rất khó hiểu” khi nhiều mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam đã được chứng nhận của cơ quan quản lý ở châu Âu, Mỹ nhưng vào Việt Nam vẫn phải kiểm tra lại. Hay việc DN đã khai thủ tục kiểm tra chuyên ngành trực tuyến nhưng vẫn phải nộp văn bản bằng giấy để hoàn tất thủ tục.

Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng về cách làm của quốc tế, của các nước ASEAN-3, ASEAN-4, ông Đặng Vũ Thành cho biết đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi hiện nay, DN đang phải kiểm dịch ở các Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y của Bộ NN&PTNT, trong khi ở các nước thường xem xét khoanh vùng nguy cơ để kiểm tra. Nêu thực tế có những DN nhập khẩu hàng hóa từ một nhà cung cấp nhiều năm liên tục nhưng lô hàng nào cũng phải kiểm tra chuyên ngành và ông Thành đặt câu hỏi có cần phải kiểm tra như vậy không vì tỉ lệ vi phạm rất thấp, trong khi quy định như vậy gây tốn kém thời gian, chi phí cho DN.

Kiểm tra chuyên ngành nhiều lúc chỉ cho có

Sau ý kiến của ông Thành, nhiều DN tiếp tục bày tỏ bức xúc trong quy trình, thủ tục thực hiện kiểm tra chuyên ngành.

Chủ tịch Hội DN Cơ khí-Điện TPHCM Đỗ Phước Tống cho biết, hiện nay nhiều DN thành viên của Hiệp hội đang bị làm khó về quy định kiểm định tiết kiệm năng lượng theo Luật Năng lượng khi nhập khẩu các loại mô tơ.

“Luật không hề phân biệt các loại mô tơ nên dù loại hiện đại nhất, tiết kiệm năng lượng nhất cũng bị kiểm định như các loại khác dù thực tế có khi cơ quan chức năng không đủ năng lực, thiết bị, phương tiện để kiểm tra nên cuối cùng cũng chỉ dán nhãn tiết kiệm năng lượng rồi cho qua nhưng làm DN mất rất nhiều thời gian”, ông Tống bức xúc.

Cùng chung ý kiến trên, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết các mặt hàng lông vũ, lông gia cầm, da động vật đã qua xử lý, kiểm dịch của nước xuất khẩu vẫn phải thực hiện đầy đủ các bước kiểm dịch kéo dài tới 10-15 ngày, trong khi nếu rút ngắn theo kiến nghị của Hiệp hội, có thể chỉ mất từ 3-5 ngày.

Từ góc độ DN hoạt động trong lĩnh vực thủ tục hải quan, kiểm tra chuyên ngành, ông Trần Việt Huy, Giám đốc Công ty TRA-SAS đưa ra rất nhiều dẫn chứng cho thấy sự chồng chéo, nhiêu khê, máy móc trong áp dụng các quy định của cơ quan kiểm tra chuyên ngành từ việc DN nhập 1-2 bóng đèn, phụ tùng thay thế nhưng phải phá hủy tới 30 bóng đèn để kiểm tra việc hàng nhập khẩu qua sân bay Nội Bài thì DN được yêu cầu chuyển hàng vào phía nam để kiểm tra vì DN hoạt động ở phía nam.

Đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết các phản ánh của DN tại cuộc làm việc đã được cơ quan này ghi nhận trong nhiều cuộc khảo sát tại các địa phương. Trong đó, Bộ Công Thương là bộ có nhiều thủ tục quy định kiểm tra chuyên ngành nhất, phức tạp nhất.

Danh mục mặt hàng bắt buộc phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan quá nhiều, lên tới 30-35%. Gắn kiểm tra chuyên ngành với thông quan khiến khâu này đang trở thành “nút thắt cổ chai”.

“Hồ sơ quản lý chuyên ngành hiện còn phức tạp hơn hồ sơ hải quan”, ông Huy nhận xét và đề nghị tách kiểm tra chuyên ngành ra khỏi thông quan bởi cơ quan hải quan có thể thông quan tính bằng phút, bằng giây nhưng nếu không có chứng thư kiểm tra chuyên ngành thì tất cả đều chịu.

“Nếu chưa tách được thì chúng ta phải có sự phân loại, hoặc quy định DN làm bảo lãnh ngân hàng, cam kết để thông quan hàng hóa trước đối với một số nhóm hàng và đến khi có kết quả kiểm tra chuyên ngành,  nếu hàng vi phạm thì sẽ xử lý. Ngày lễ, Chủ nhật, đơn vị hải quan vẫn làm nhưng kiểm tra chuyên ngành không làm thì cũng không thông quan được. Tại cảng Cát Lái, nghỉ lễ 4-5 ngày là hàng hóa ùn ứ đến 2-3 tháng mới giải quyết xong”, ông Huy cho biết.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát trung tâm giám sát tại Cảng Cát Lái. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát trung tâm giám sát tại Cảng Cát Lái. Ảnh: VGP/Đình Nam

Cần xã hội hóa trong kiểm tra chuyên ngành

Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Cảng Sài Gòn Ngô Minh Thuấn đề xuất lập bộ phận hoặc văn phòng một cửa ngay cạnh cảng để rút ngắn thời gian, chi phí cho DN khi lấy mẫu kiểm tra hàng hóa.

“Tôi đề nghị các bộ, ngành rà soát lại quy trình, thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu, áp dụng nguyên tắc xác suất, nguyên tắc một cửa đối với với những mặt hàng phải được kiểm tra bởi 2 cơ quan cùng một bộ. Cổng thông tin một cửa quốc gia cần được nâng cấp về tiện ích, thủ tục kết nối giữa hải quan, cơ quan chuyên ngành, DN, đơn vị vận tải… nhằm tăng tỉ lệ DN tham gia thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành trực tuyến, hiện mới chỉ đạt 10% DN”, ông Thuấn nói.

Phó Thủ tướng gợi ý: Tân Cảng Sài Gòn có dám đầu tư toàn bộ trang thiết bị, máy móc và mời các cơ quan quản lý chuyên ngành cử người trực tiếp làm hoặc giám sát quy trình ngay tại cảng. Các đồng chí có thể lên phương án cụ thể từ máy móc, diện tích, chi phí đầu tư, con người… từ mức cơ quan chuyên ngành cử người trực tiếp kiểm tra đến việc giám sát quá trình do DN thực hiện và mức thứ ba là đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề cho nhân lực hoạt động trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành.

Ông Thuấn cho biết có những DN nước ngoài có giấy phép từ Mỹ, châu Âu về các ngành hàng nhập khẩu, xuất khẩu đặt vấn đề đầu tư trạm kiểm tra hàng hóa tại cảng Cát Lái. Vì vậy có thể kết hợp các cơ quan chuyên ngành trong một cơ sở ngay tại cảng để tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho DN.

DN trông đợi những thứ rất cụ thể

Những ý kiến của DN được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chuyển đến lãnh đạo các bộ ngành có mặt tại cuộc họp.

Những thuận lợi, khó khăn và nỗ lực trong việc cải cách thủ tục hành chính trong kiểm tra chuyên ngành đã được lãnh đạo các Bộ: KH&CN, NN&PTNT, Y tế, Công Thương trao đổi, phản hồi tại cuộc làm việc. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ phải đưa ra cam kết, thời hạn cụ thể trong việc giải quyết kiến nghị của DN, trong đó có những ý kiến được nêu ra trong cuộc làm việc như công nhận chữ ký đại lý hải quan khi làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành; đề xuất phương án xử lý việc kiểm tra chuyên ngành đối với mặt hàng mô tơ tiết kiệm năng lượng; rà soát, sửa đổi những thông tư liên quan đến kiểm tra chuyên ngành đã được giao trong Nghị quyết 19…

“Chúng ta phải làm theo xu hướng quốc tế là triển khai quản lý theo rủi ro; áp dụng việc công nhận sản phẩm lẫn nhau không chỉ ở các nước ký tương đương mà cả những sản phẩm thương hiệu toàn cầu nổi tiếng. Tinh thần là phải làm nhưng không máy móc”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đặt yêu cầu cụ thể trong thời gian tới số lượng các mặt hàng bắt buộc kiểm tra chuyên ngành phải ít nhất; thời gian kiểm tra nhanh nhất, tần suất giảm ít nhất 15% vào quý IV/2016.

“Kiểm tra phải nhanh nhất có thể, chúng ta tính theo ngày nhưng Ngân hàng Thế giới đã tính theo giờ. Có những thứ tưởng nhỏ nhưng DN kêu mãi mà chúng ta không xử lý được thì DN nản không muốn kêu, rồi không quan tâm tham gia góp ý, phản biện đối với việc hoạch định, xây dựng chính sách.

Chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2017 phải đạt chuẩn ASEAN-4 và đến năm 2020 phải đạt chuẩn ASEAN-3, vậy phải làm sao để DN không chỉ hy vọng mà còn tin tưởng. DN trông đợi vào Chính phủ, bộ ngành những thứ rất cụ thể, còn phân công, phối hợp thế nào là công việc của các bộ, ngành”, Phó Thủ tướng lưu ý và cho rằng công việc phần nhiều nằm ở các bộ.

Bên cạnh đó, vai trò thông tin, truyền thông rất quan trọng trong việc tạo đồng thuận, ủng hộ để ngành hải quan, các đơn vị kiểm tra chuyên ngành mạnh dạn đổi mới trong công tác này. Mục đích là để môi trường kinh doanh thông thoáng nhất để phát triển và đương nhiên quản lý ở mức cần thiết vì lợi ích chung của người dân và nền kinh tế.

Theo Đình Nam - Báo điện tử Chính phủ