Doanh nghiệp phía nam góp ý đơn giản hóa thủ tục hải quan
Mục tiêu quan trọng của dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 08/2015/NĐ-CP là đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh cho biết như vậy tại Hội thảo tham vấn doanh nghiệp phía nam về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan tổ chức ngày 23/6 tại TPHCM.
Đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong thông quan
Ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, dự thảo Nghị định bao gồm 19 chương và 228 điều nhằm duy trì các quy định đã thực hiện ổn định tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP, nâng tầm các thủ tục hành chính đã thực hiện ổn định ở các thông tư có quy định về thủ tục hải quan như: Thông tư 38/2015/TT-BTC về thủ tục hải quan; Thông tư 42/2015/TT-BTC về phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh; Thông tư 72/2015/TT-BTC về doanh nghiệp ưu tiên; Thông tư số 143/2015/TT-BTC về nhập khẩu đối với ô tô, xe gắn máy không nhằm mục đích thương mại; Quyết định số 53/2013/QĐ-TTg về hàng hóa nhập khẩu, tạm nhập khẩu của đối tượng ưu đãi miễn trừ…
Dự thảo Nghị định cũng bổ sung một số quy định mới hoặc sửa đổi những quy định còn bất cập, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Hải quan 2014 và các văn bản hướng dẫn Luật Hải quan 2014 nhằm bảo đảm công tác quản lý nhà nước, đồng thời đơn giản hóa cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần Nghị quyết 19 cũng như hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu 2016.
Tập trung kiểm tra chuyên ngành về cơ quan hải quan
Góp ý cho dự thảo, ông Đinh Công Khương, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH TM-DV Thép Khương Mai cho biết, vướng mắc của nhiều doanh nghiệp thép hiện nay là thẩm định giá thép.
Vị lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, cùng nhập mặt hàng thép với chất lượng như nhau nhưng người mua giá cao, người mua giá thấp, chênh nhau 30 USD/tấn là bình thường. Trong khi đó, lô hàng nào của doanh nghiệp về cũng bị thẩm định giá, kiểm tra chất lượng, điều này gây mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp cũng như cơ quan hải quan. Ông Khương cho rằng, cơ quan hải quan cần kiểm tra theo xác suất và theo dõi sát giá cả trên thế giới để kiểm chứng với mức giá của doanh nghiệp cho phù hợp.
Cũng theo ông Khương, dự thảo Nghị định quy định trách nhiệm doanh nghiệp tương đối kỹ, nhưng quy định trách nhiệm công chức hải quan lại khá mờ nhạt, chưa có mức xử phạt cụ thể nếu công chức hải quan không thực hiện đúng thời gian theo quy định.
Ông Lê Đình Giàu, Công ty TNHH Tiếp vận Thăng Long cho rằng, tại Điều 52 Khoản 2 về việc tiếp nhận và xử lý tờ khai, cần quy định rõ thời gian xử lý tờ khai vàng/đỏ qua hệ thống. Cơ quan Hải quan cần chủ động xử lý các tờ khai luồng vàng/đỏ của doanh nghiệp chứ không chờ doanh nghiệp nộp giấy, nộp tiền, kiểm tra tiền vào tài khoản mới thực hiện.
Bên cạnh đó, theo ông Giàu, thời hạn xác định mã số hồ sơ sản phẩm của doanh nghiệp từ 30-60 ngày là quá dài, do đó doanh nghiệp kiến nghị chuyển quyền kiểm tra mã hồ sơ sản phẩm tới các Cục Hải quan địa phương thay vì Tổng cục Hải quan như hiện nay.
Đối với Điều 83 về xây dựng định mức, theo ông Giàu, định mức là yếu tố rất nhạy cảm khi cơ quan Hải quan kiểm tra tại doanh nghiệp, chính vì vậy, Nghị định mới cần nêu rõ cách hướng dẫn xây dựng định mức như thế nào, cách thức xây dựng định mức cho sản phẩm phụ như thế nào.
Trả lời các thắc mắc từ doanh nghiệp về kiểm tra chuyên ngành, ông Âu Anh Tuấn cho biết, quy định hiện hành tại Khoản 1 Điều 33 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP việc kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu theo “chỉ định của các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên ngành hoặc cơ quan Hải quan căn cứ vào kết luận của cơ quan quản lý chuyên ngành để quyết định việc thông quan”.
Tuy nhiên, theo Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg ngày 17/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan, trong đó thành lập Cục Kiểm định Hải quan (từ Trung tâm Phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu), để tạo điều kiện cho Cục Kiểm định Hải quan có thể thực hiện việc kiểm tra chuyên ngành (không theo chỉ định của các bộ, ngành), dự thảo Nghị định thay thế đề xuất bỏ nội dung cụm từ “theo chỉ định của các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên ngành” tại Khoản 1 Điều 33 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.
Ông Nestor Sherbey, chuyên gia tư vấn của Liên minh Tạo thuận lợi Thương mại chia sẻ sự đồng tình và cần thiết của Nghị định mới thay thế Nghị định 08/2015/NĐ-CP nhằm nhất thể hóa các thủ tục thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, dự thảo Nghị định mới cần phải công khai để doanh nghiệp chuẩn bị, cho doanh nghiệp một thời gian từ 3 đến 6 tháng trước khi áp dụng.
Bên cạnh đó, cần thành lập một Ủy ban quốc gia về tạo thuận lợi hóa thương mại để tích hợp Hải quan một cửa Việt Nam vào Hải quan một cửa ASEAN.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt