Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là đối tượng thực sự cần hỗ trợ
Luật sư Trương Thanh Đức, Trưởng ban Tư vấn và Phản biện chính sách Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp, Chủ tịch Công ty Luật BASICO đề xuất, cần bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa các doanh nghiệp (DN) và thiết lập một số cơ chế pháp lý đặc thù cho khu vực DN nhỏ và vừa.
Thưa ông, cho đến thời điểm này, ông còn băn khoăn gì về Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Liên quan việc phân loại DN được hỗ trợ, Dự thảo quy định 2 tiêu chí cho DN nhỏ và vừa là tổng nguồn vốn hoặc số lao động bình quân năm, được chia thành 3 cấp là siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Tổng nguồn vốn của DN nhỏ là dưới 20 tỷ đồng; DN vừa là từ 20 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng, riêng với lĩnh vực thương mại dịch vụ là 50 tỷ đồng.
Có thể thấy, khoảng cách khá lớn giữa DN nhỏ và DN vừa gần trở thành DN lớn cả về năng lực và quy mô. Do vậy, sẽ không công bằng nếu hỗ trợ cào bằng như nhau.
Về đối tượng DN được hỗ trợ, theo số liệu của Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện có tới 97,5% tổng số DN là vừa và nhỏ. Việc quy định hỗ trợ quá nhiều DN là không hợp lý.
Tôi cho rằng, cần loại bớt một số đối tượng hỗ trợ hoặc chỉ hỗ trợ một phần, như đối với các công ty đại chúng, công ty niêm yết, vì các DN này đã hoạt động bài bản, có khả năng cạnh tranh…
Có khó phân loại chi tiết như vậy không, thưa ông?
Đã có những quy định theo hướng này. Có thể tham khảo một trong những quy định đã áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập DN 20% đối với DN có tổng doanh thu/năm không quá 20 tỷ đồng, thấp hơn 2% so với các DN khác theo quy định Luật Thuế thu nhập DN.
Mặt khác, bản thân nguồn lực hỗ trợ cũng yếu và hạn chế, nên cũng không thể mở quá rộng. Vì vậy, cần tập trung hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ (quy mô 10 – 20 tỷ đồng doanh thu và/hoặc từ 20 – 30 lao động trở xuống).
Phải khẳng định, nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ là nhóm yếu thế, khó khăn, lúng túng, vướng mắc, nên là đối tượng thật sự cần hỗ trợ. Còn các DN vừa là nhóm ở giữa, bình thường, nên không cần có sự kiểm soát chặt hoặc hỗ trợ, mà để phát triển theo tự nhiên để trở thành DN lớn hoặc tụt xuống thành DN nhỏ.
Đặc biệt, các quy định về cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính trong dự thảo Luật nếu được ban hành sẽ là chìa khóa mở rộng cửa vào thị trường cho các DN, đặc biệt là khu vực DN vừa đang muốn lớn lên.
Sự bình đẳng về pháp lý mới chính là sự hỗ trợ quan trọng, bền vững, vì về bản chất, hỗ trợ DN nhỏ và vừa là bảo đảm sự bình đẳng giữa tất cả các loại hình DN.
Cụ thể, sự bình đẳng này là gì, thưa ông?
Khoản 2, Điều 9 về “Cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính”, Dự thảo Luật đã quy định nghiêm cấm cơ quan, tổ chức “ban hành quy định phân biệt đối xử về điều kiện kinh doanh, thực hiện thủ tục hành chính, tiếp cận các nguồn lực dựa trên các tiêu chí về quy mô kinh doanh, trừ khi các quy định này được luật quy định”, hay có hành vi phân biệt đối xử.
Trên thực tế, cách cản trở bằng quy định quy mô của DN này khá phổ biến. Ví dụ, DN kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; DN kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có tối thiểu 10 xe; riêng đối với Hà Nội, TP.HCM phải có tối thiểu 50 xe…
Các quy định kiểu như vậy cần phải được bãi bỏ, thậm chí ngay từ bây giờ. Tôi cũng cho rằng, cần xem xét cả việc quy định về mức vốn pháp định đối với nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. DN có vốn lớn thì đương nhiên có cơ hội kinh doanh bất động sản tốt hơn. Nhưng DN có vốn điều lệ dưới 20 tỷ đồng thì cũng vẫn hoàn toàn có nhiều cơ hội kinh doanh bất động sản nhỏ lẻ với quy mô vài chục tỷ đồng…
Cũng cần xem xét bảo đảm một số đặc thù pháp lý đối với DN nhỏ, như cho phép DN nhỏ được sử dụng nhà chung cư thuộc sở hữu của chủ DN tư nhân, thành viên hợp danh, thành viên hoặc cổ đông vừa để ở, vừa để đặt trụ sở chính, chi nhánh và văn phòng đại diện của công ty.
Trên thị trường đã xuất hiện loại hình mới của thế giới là căn hộ thương mại (Shophouse) và căn hộ văn phòng (Officetel). Trong khi đó, Luật Nhà ở đang quy định một trong các hành vi bị cấm là “sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở”.
Ngoài ra, cũng cần xem xét quy định thêm cơ chế khuyến khích chuyển các hộ kinh doanh thành DN.
Nhưng hộ kinh doanh không phải là đối tượng của luật này, theo Dự thảo hiện tại?
Với 4 – 4,5 triệu hộ kinh doanh đã, đang và sẽ hoạt động như các DN, nhưng không được coi trọng điều chỉnh bằng luật và đã bị luật bỏ rơi suốt mấy chục năm nay.
Xét theo một góc độ khác, Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005 và 2014 đều đã gián tiếp thừa nhận hộ kinh doanh là một loại hình DN, vì đều được đề cập trong luật, nhưng rồi lại chỉ dừng lại ở chỗ điểm danh, công nhận sự sự hiện diện, mà không quy định cho nó một danh phận pháp lý của DN.
Trường hợp không công nhận hộ kinh doanh là DN, thì cần xem xét quy định thêm cơ chế khuyến khích chuyển các hộ kinh doanh thành DN – một trong những mục tiêu quan trọng để phát triển 1 triệu DN.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt