Doanh nghiệp FDI được ưu đãi chưa mang lại hiệu quả lớn
Không có sự khác biệt lớn về kết quả hoạt động của doanh nghiệp FDI được ưu đãi và doanh nghiệp FDI không nhận được ưu đãi.
Đây là một trong những kết quả được chuyên gia của Tổ chức công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) đưa ra tại Hội thảo “Ưu đãi đầu tư với hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nghiên cứu từ điều tra công nghiệp Việt Nam” do UNIDO phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tổ chức ngày 26/6.
Ông Brian Portelli, chuyên gia UNIDO cho biết, Báo cáo Điều tra công nghiệp Việt Nam đã dựa trên bộ dữ liệu gồm hơn 500 biến số thu thập từ gần 1.500 doanh nghiệp. Theo ông, các ưu đãi có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư FDI ở Việt Nam. Tuy nhiên các ưu đãi tài chính có xu hướng đóng vai trò bổ sung chứ không phải là là nhân tố cần thiết trong tiến trình thu thu hút đầu tư.
Báo cáo trên đặc biệt chú trọng vào các khác biệt về năng suất giữa các công ty nước ngoài (phân loại theo được và không được nhận ưu đãi) và các công ty trong nước.
Cụ thể, các công ty nước ngoài có xu hướng truyển dụng nhiều người lao động hơn và năng suất lao động cũng như cường độ vốn cao hơn các công ty trong nước. Các kết quả cũng cho thấy các công ty nước ngoài được nhận ưu đãi có thị phần nhập khẩu đầu vào và xuất khẩu cao hơn. Nhưng về tổng thể, dường như không có nhiều khác biệt về hiệu quả hoạt động giữa các công ty nước ngoài được nhận ưu đãi và các công ty còn lại không được ưu đãi.
Các công ty nước ngoài hoạt động trong các khu công nghiệp có hiệu quả hoạt động tốt hơn các công ty trong nước, trong khi đó hiệu quả hoạt động của họ không có khác biệt mấy so với các công ty nước ngoài cùng hoạt động trong các khu công nghiệp như vậy mà không được nhận ưu đãi.
Các khuyến nghị chính sách được chuyên gia quốc tế đưa ra tại hội thảo tập trung vào việc cấp ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi tài chính cần phải gắn liền với các dự án đầu tư cụ thể và cần được thực hiện đi cùng với công tác giám sát có hiệu quả. Theo các chuyên gia, ưu đãi không nên dẫn đến việc giảm dòng đầu tư trong nước mà ngược lại, dòng đầu tư trong nước tăng phải là ưu tiên…
Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng: Các chính sách ưu đãi thời gian qua chưa giúp chuyển dịch cơ cấu vốn FDI theo như mục tiêu. Vốn FDI vẫn tập trung chủ yếu một vài địa phương khu vực, trong khi các khu vực vùng sâu, vùng xa, muốn thu hút vốn để cải thiện kinh tế-xã hội thì vốn FDI vẫn còn vắng bóng. Hoặc theo lĩnh vực đầu tư, thực tế vốn FDI vẫn đổ nhiều vào lĩnh vực bất động sản dù không có ưu đãi, trong khi đó, nhiều lĩnh vực quan trọng khác như nông nghiệp những ưu đãi vẫn không được nhiều các nhà đầu tư mặn mà, đây là những vấn đề cần phải có sự nghiên cứu, giải quyết cấp bách.
Nhấn mạnh vào cách thức hội nhập, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, nếu hội nhập bị động thì vốn FDI sẽ chỉ tập trung vào khai thác lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên, còn nếu hội nhập chủ động thì sẽ thu hút đầu tư bằng công nghệ, thương hiệu lớn, nhân lực chất lượng cao, công nghệ cao.
“Chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao kết cầu hạ tầng, nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực, thu hút FDI mà không nhiều ưu đãi. Giữa việc ưu đãi đầu tư với việc quản lý đánh giá hiệu quả ưu đãi cần phải được cải thiện, bên cạnh đó, cần khắc phục tình trạng nhiều địa phương có dấu hiệu thực hiện ưu đãi chạy quá mức vượt quá tầm kiểm soát”, TS Doanh nói.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt