Thứ Hai, 20/06/2016 8:45:18 (GMT+7)

Doanh nghiệp được hưởng lợi gì từ việc giảm thuế thu nhập?

Tại Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 về phát triển doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 vừa được ban hành, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét để ngay trong năm nay có thể ban hành Nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp được hưởng lợi gì từ việc giảm thuế thu nhập?

Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế trực thu, điều tiết trực tiếp vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp và là loại thuế đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi vậy, một chính sách thuế hợp lý, rõ ràng, minh bạch, hiệu quả có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và ngân sách nhà nước.

Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thể hiện tỷ lệ điều tiết tiền của ngân sách nhà nước và doanh nghiệp trên khoản tiền lãi (thu nhập chịu thuế) do doanh nghiệp tạo ra. Thông thường số lãi được chia thành 3 phần và phân chia theo tỷ lệ để lại doanh nghiệp 2 phần, phần còn lại nộp ngân sách nhà nước.

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, hàng năm, khu vực doanh nghiệp này đã đóng góp 43,2% GDP, 31% xuất khẩu, 29% các khoản thu ngân sách nhà nước. Vốn đầu tư chiếm 38% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của khu vực doanh nghiệp, tạo việc làm cho 5,12 triệu lao động, chiếm 45% tổng số việc làm trong khối doanh nghiệp.

Do vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là cần thiết để giúp doanh nghiệp vơi bớt khó khăn, giảm gánh nặng về thuế dù có thể sẽ làm giảm nguồn thu của ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên phần giảm thu này sẽ tăng tương ứng phần vốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất kinh doanh, đồng thời giảm chi phí trả lãi tiền vay, từ đó giảm giá thành, chi phí sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Công ty Tư vấn và đại lý thuế Công Minh (Hà Nội) cho rằng, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ giúp doanh nghiệp có động lực tồn tại và phát triển. Doanh nghiệp nhỏ và vừa có ảnh hưởng tích cực rất lớn đến xã hội khi giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập cho phần lớn lao động trong xã hội. Nên mức thuế giảm cần đủ để khuyến khích doanh nghiệp và hỗ trợ được cho doanh nghiệp.

Đồng quan điểm này, tiến sỹ Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính cũng cho rằng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm sẽ có tác động tốt cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Ánh, nếu thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 20% xuống 15%, thậm chí 10% sẽ chỉ có ý nghĩa với những doanh nghiệp đang làm ăn có lãi.

Thực tế, trong 5 tháng qua, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động đã đạt con số trên 28.500 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính vì thế, nếu giảm, thậm chí miễn thuế thu nhập doanh nghiệp gần như là vô nghĩa với những doanh nghiệp còn lại.

Theo tiến sỹ Vũ Đình Ánh, vấn đề chính là có hướng giải quyết để doanh nghiệp bớt lỗ trụ được để kinh doanh có lãi, được nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp. “Bài toán đặt ra là muốn doanh nghiệp có lãi, nộp thuế thì phải xem lợi nhuận của doanh nghiệp là gì? Lợi nhuận là giá bán trừ đi chí phí. Để có lợi nhuận doanh nghiệp phải giảm được chi phí hoặc tăng được giá bán hàng hóa. Còn vừa tăng được giá bán và giảm được chi phí thì càng tốt. Nhưng với sức ép cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc doanh nghiệp tăng giá bán hàng hóa, sản phẩm là rất khó. Chính vì vậy, ngoài việc doanh nghiệp phải tự tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của mình thì nhà nước nên tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng thị trường” ông Ánh phân tích thêm.

Bên cạnh đó, theo tiến sỹ Vũ Đình Ánh, hiện nay có một số những chi phí khiến doanh nghiệp thua lỗ như phí sử dụng đường bộ. Các loại chi phí này “bào mòn” lợi nhuận khiến doanh nghiệp có xu hướng lỗ, thậm chí thua lỗ triền miên buộc phải ngừng hoạt động.

“Rất mừng trong Nghị quyết 35 vừa mới ban hành, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan nhà nước sớm rà soát để giảm phí BOT đường bộ”, ông Ánh nói. Dưới góc độ là doanh nghiệp, ông Nguyễn Sĩ Phúc, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hạnh Phúc chia sẻ, hiện doanh nghiệp kinh doanh rất khó khăn, thậm chí thua lỗ triền miên nên nếu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng không được lợi bao nhiêu.

Theo ông Nguyễn Sĩ Phúc, nói một cách đầy đủ, nguyên nhân thua lỗ của doanh nghiệp đơn giản là do quy luật sinh tồn, với những doanh nghiệp kinh doanh yếu kém, vốn mỏng thì bị lỗ, thị trường đào thải là chuyện hết sức bình thường. Nhưng cũng có yếu tố vĩ mô bởi nhiều chính sách của nhà nước khiến doanh nghiệp điêu đứng.

Do đó, ông Nguyễn Sĩ Phúc cho rằng, chính sách vĩ mô, nhất là chính sách tiền tệ phải ổn định, chứ không thể đầu năm thắt chặt, cuối năm thì thả lỏng, khiến doanh nghiệp không thể yên tâm sản xuất kinh doanh./.

Theo Thùy Dương - Vietnam+