Doanh nghiệp dệt may “phàn nàn” với thủ tục kiểm tra hải quan
Các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu (lông vũ, lông cáo, lông gấu) để làm hàng xuất khẩu cho rằng, thời gian làm thủ tục kéo dài từ 10 – 15 ngày, cộng với chi phí giám định 3 triệu đồng mỗi lần gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) vừa có văn bản gửi các cơ quan chức năng, phản ánh các kiến nghị của doanh nghiệp hội viên về thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu.
Theo Vitas, bằng việc khai báo hải quan qua mạng, thời gian thông quan hàng hóa đã được rút ngắn đáng kể, nhưng đối với những lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành thì vẫn chưa được cải thiện.
Các doanh nghiệp dệt may, kêu nhiều nhất về 2 thủ tục kiểm tra hải quan, đó là thủ tục kiểm dịch, hun trùng với nguyên liệu dệt may và thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyde với sản phẩm dệt may nhập khẩu.
Danh nghiệp cho rằng, thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyde với sản phẩm dệt may nhập khẩu là loại thủ tục quản lý chuyên ngành yêu cầu số lượng giấy tờ nhiều nhất với 10 loại, trong đó có 7 loại bắt buộc phải có.
Phản ánh từ các doanh nghiệp dệt may đến Vitas cho biết, hiện doanh nghiệp kinh doanh bông nhập khẩu phải mất ít nhất 10 ngày mới xong thủ tục kiểm dịch, hun trùng.
Cụ thể, các doanh nghiệp phải gửi công văn lên Cục Bảo vệ thực vật để xin giấy phép kiểm dịch thực vật, tính từ khi gửi công văn đến khi có chứng nhận kiểm dịch là 7 ngày. Làm thủ tục xin đăng ký kiểm dịch hun trùng tại cửa khẩu mất 2 ngày, và 24 giờ sau khi nộp kiểm dịch, hàng mới được thông quan.
Chưa kể, các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu (lông vũ, lông cáo, lông gấu) để làm hàng xuất khẩu còn mất thêm nhiều thời gian và chí phí hơn, với thời gian làm thủ tục mất khoảng 10-15 ngày, kèm theo chi phí giám định 3 triệu mỗi lần.
Để giảm bớt thủ tục cho doanh nghiệp, Vitas kiến nghị các cơ quan quản lý chuyên ngành cần rút ngắn thời gian xác nhận, kiểm tra; còn Hải quan cần ra quyết định thông quan hàng hóa ngay khi nhận được kết quả kiểm tra chuyên ngành.
Đặc biệt, Vitas đề nghị, với những mặt hàng lông vũ, lông thú đã có đầy đủ kiểm dịch và C/O từ phía khách hàng, có tên khoa học không thuộc danh mục CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) thì nên bỏ thủ tục kiểm dịch, hun trùng và giám định sinh thái.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt