Doanh nghiệp cơ khí đang… “lận đận”
Để sớm đưa Việt Nam trở thành nước CNH-HĐH theo hướng hiện đại, việc phát triển các ngành công nghiệp cốt lõi, trong đó có cơ khí cần được ưu tiên. Tuy nhiên, đến nay ngành công nghiệp “xương sống” này dường như vẫn chưa phát triển xứng tầm vị thế của mình.
Công việc trong nước ngày càng ít trong khi xuất khẩu cơ khí dường như vẫn là một mục tiêu xa vời, các DN cơ khí đa phần vẫn trong tình trạng sống “lay lắt”. Thặng dư để quay vòng phát triển gần như rất ít, khiến điều kiện đầu tư chuyên sâu không khả thi nên DN cơ khí vẫn chỉ phát triển một cách chậm chạp.
DN khó định được đường hướng phát triển
Đưa chúng tôi xuống thăm nhà xưởng chế tạo thiết bị, kỹ sư phụ trách công nghệ Công ty CP Lilama 69-3 (thuộc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam – Lilama) Đặng Văn Phương chỉ vào chiếc xe xúc bánh xích “made in Việt Nam” LX 2000 cho biết, ngoại trừ các bộ phận thủy lực, điều khiển phải nhập từ nước ngoài, các bộ phận còn lại đều do Lilama 69-3 chế tạo, đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Đây là một trong những sản phẩm khoa học có hàm lượng chất xám cao, thế nhưng chiếc xe này vẫn chỉ hoạt động “quanh quẩn” trong phạm vi nhà xưởng của mình.
Mặc dù Công ty đã mạnh dạn đầu tư chiều sâu để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, nhưng đầu ra cho sản phẩm bị “tắc” trong khi đây là sản phẩm thuộc chương trình phát triển sản phẩm cơ khí trọng điểm. Đã thế, khi triển khai, mặc dù các sản phẩm này được hưởng các ưu đãi, nhưng các hướng dẫn còn rất chung chung đã khiến đơn vị chán nản khi máy móc làm ra cũng chỉ để trình diễn, không có “đất” áp dụng.
Tương tự như vậy, Công ty cũng đã chế tạo thành công quạt công suất lớn phục vụ cho các nhà máy xi măng, tuy nhiên cũng chỉ có một số nhà máy xi măng đặt hàng, còn đa số vẫn nhập sản phẩm này. DN đành phải quay về với những thị trường truyền thống vốn ngày càng thu hẹp, cạnh tranh cao và tất yếu tăng trưởng sẽ chậm lại…
Có thể thấy rằng đây là tình cảnh chung của nhiều DN cơ khí với nguồn việc không còn dồi dào, cạnh tranh nội địa ngày càng gắt gao, trong khi các gói thầu công việc tại Việt Nam thường rơi vào tay DN nước ngoài, khiến ngành cơ khí gặp khó.
Mặc dù Chính phủ đã tiến hành giao chỉ định tổng thầu những dự án lớn cho một số DN cơ khí uy tín nhưng cũng vì không có thêm những dự án gối đầu với những lý do khác nhau nên DN khó hoạch định đường hướng phát triển.
Còn nhiều “rào cản”
Bất cập lớn nhất của ngành cơ khí là thiếu tính đồng bộ trong quản lý Nhà nước và không có sự lồng ghép hiệu quả với các ngành công nghiệp khác.
Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí (VAMI) Nguyễn Văn Thụ phân tích, các ngành công nghiệp chính là đầu ra sản phẩm cho ngành cơ khí. Câu chuyện về các nhà máy đường và xi măng là một ví dụ. Nhà nước đã dành nhiều ưu đãi để phát triển các chương trình này, tuy nhiên thực tế lại mọc lên hàng trăm, hàng chục nhà máy sử dụng các công nghệ lạc hậu, tất yếu sản xuất không hiệu quả. Trong khi đó, năng lực của ngành cơ khí trong nước đủ sức đảm nhận chế tạo, lắp đặt các loại nhà máy này lại chỉ được tham gia một vài dự án, rồi dừng lại và tiếp tục… làm thầu phụ cho các dự án khác.
Vì vậy theo ông Thụ, nếu có cơ chế chặt chẽ lồng ghép, phối hợp giữa các ngành công nghiệp và ngành cơ khí, chí ít mỗi lĩnh vực có khoảng từ ba dự án cơ khí trọng điểm trở lên giao DN trong nước làm chủ, chắc chắn chúng ta đã hình thành được ngành cơ khí chuyên sâu về các lĩnh vực công nghiệp khác nhau.
Còn Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma) Lê Văn Khương cho rằng ở lĩnh vực cơ khí chế tạo phục vụ ngành xây dựng, khó khăn chính là do chưa phát triển được một số ngành mũi nhọn trong chế tạo cơ khí dẫn đến tình trạng thiếu định hướng, thiếu tập trung trong phát triển ngành. Các DN cơ khí chủ yếu là DN vừa và nhỏ, điều kiện tài chính khó khăn nên chưa có khả năng tích lũy nhiều về tài chính cũng như công nghệ.
Ngoài ra, các sản phẩm chính của ngành hiện nay vẫn chủ yếu là gia công, giá trị kinh tế thấp, sản xuất trên dây chuyền, nhà máy cũ, phần lớn máỵ móc, thiết bị đều phải nhập từ bên ngoài không đồng bộ, thiếu nguồn nguyên liệu… khiến các DN thường xuyên sản xuất trong tình trạng bị động, năng suất, chất lượng không cao, sản phẩm nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường…
Đầu tư cho cơ khí cần nguồn vốn lớn và dài hạn, sản xuất kinh doanh mặt hàng cơ khí lợi nhuận không cao. Vì vậy, nếu không có những ưu đãi về lãi suất cho vay, kỳ hạn trả nợ… sẽ rất khó khăn cho ngành cơ khí có thể bứt phá.
Một vấn đề nữa khiến DN cơ khí không có “đất diễn” ngay trên sân nhà là cơ chế đấu thầu còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là vốn vay.
Hàng loạt sản phẩm có hàm lượng nội địa hóa cao hoặc sáng chế, chế tạo tại Việt Nam (như máy biến áp, bộ sấy khí các nhà máy nhiệt điện, quạt công suất lớn cho nhà máy xi măng…) nhưng vướng cơ chế đấu thầu nên không “len chân” được vào các dự án. Sản phẩm làm ra bỏ đấy gây lãng phí.
Phó Tổng giám đốc Lilama 69-1 Ngô Quốc Thịnh cho biết thêm, sau nhiều năm nghiên cứu, Công ty đã sản xuất thành công bộ sấy khí cho các nhà máy nhiệt điện, đạt tiêu chuẩn, nhưng khi chào hàng với bên điện lực, hầu hết đều bị từ chối, trong khi họ vẫn nhập sản phẩm này cho các dự án. Điều này khiến các DN cơ khí rất phiền lòng…
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt