Doanh nghiệp cần chú ý gì để đạt lợi ích từ FTA Việt Nam-EU
Doanh nghiệp cần chú ý tới 5 khía cạnh khi xuất khẩu sang châu Âu để thu được lợi ích từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Đây là khẳng định của GS. Claudio Dordi, trưởng nhóm Hỗ trợ Kỹ thuật của Dự ánHỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tại Diễn đàn doanh nghiệp với chủ đề “Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam và lợi ích doanh nghiệp” do Viện Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, phối hợp với Trường Kinh tế và Quản lý Solvay Brussels, Đại học Tổng hợp Tự do Bruxelles (Vương Quốc Bỉ) tổ chức mới đây.
Theo đó, từ nghiên cứu trong thực tiễn, GS. Dordi chỉ ra 5 khía cạnh quan trọng nhất mà các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu cần nắm rõ, bao gồm: thuế quan và các thủ tục hành chính; quy định nhãn hiệu và sỡ hữu trí tuệ; quy định về chất lượng và an toàn; công tác hậu cần và quản lý rủi ro.
Phân tích thêm những khía cạnh này, GS. Dordi cho rằng, tìm hiểu môi trường pháp lý là vô cùng quan trọng. Việc tìm hiểu vấn đề này sẽ giúp doanh nghiệp nắm rõ những cơ hội nào là mở và những cam kết có thể tận dụng được đặc biệt là môi trường pháp lý ở từng nước thành viên khác nhau. Việc bảo trợ chống rủi ro, mở rộng kinh doanh ở bên ngoài cũng rất quan trọng bên cạnh đầu tư tài chính, chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam tỏ ra khá lo ngại khi điểm yếu của hầu hết doanh nghiệp vẫn là thiếu thông tin về thương mại, thị trường, thông tin nghiên cứu đánh giá, công nghệ chiều sâu từng lĩnh vực kinh doanh do khả năng khai thác thông tin, khai thác thông tin từng thị trường, phân đoạn thị trường và đặc điểm từng thị trường trước khi quyết định kinh doanh.
Trong khi đó, cơ hội từ EVFTA được ông Lê Triệu Dũng, phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương khẳng định là rất lớn.
Cụ thể, về xuất nhập khẩu, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong hiệp định EVFTA sẽ là một cú hích quan trọng để thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam- EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm mà hai bên có thế mạnh như dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ của Việt Nam và máy móc, thiết bị, ô tô, xe máy, đồ uống có cồn, một số loại nông sản của EU.
Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế. Đối với rất ít số dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các Hiệp định FTA đã được ký kết cho tới nay.
Các cam kết liên quan đến đầu tư, tự do hóa thương mại dịch vụ, mua sắm của Chính phủ, bảo hộ sở hữu trí tuệ, … cũng sẽ mở ra cơ hội cho cả hai bên tiếp cận thị trường của nhau, bảo đảm lợi ích tổng thể, cân bằng.
EVFTA cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội tiếp cận nguồn công nghệ hiện đại, học hỏi kỹ năng quản lý, nâng cao tay nghề, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Mặc dù cơ hội mở ra rất lớn nhưng ông Liên cũng khẳng định, hiện mới chỉ những doanh nghiệp thương mại là quan tâm tìm hiểu về EVFTA trong khi lực lượng nòng cốt để có thể khẳng định sự chiếm lĩnh thị trường ở nước ngoài và khẳng định thương hiệu của Việt Nam lại là những doanh nghiệp sản xuất.
“Tận dụng cơ hội các doanh nghệp còn thiếu tự tin, do đó, chúng ta cần có chiến lược dài hạn, phân tích thị trường và các doanh nghiệp cần liên kết để kết nối chuỗi giá trị, kết nối sức mạnh tổng hợp nhằm khai thác phân đoạn thị trường tại nước ngoài. Đã đến lúc doanh nghiệp cần thay đổi không chỉ bảo vệ lợi ích doanh nghiệp ở thị trường trong nước mà còn phải nâng cao khai thác, kiểm soát thị trường, chuyên nghiệp trong quản trị và có phương pháp bài bản với hỗ trợ của nhà nước và hiệp hội để có thể tận dụng lợi thế từ các FTA mang lại”, ông Liên nói.
Ông Liên cũng cho biết, là nước đi sau, Việt Nam cũng có cơ hội học hỏi ở các thị trường khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore…những bài học thông qua hợp tác quốc tế để giải bài toán đầu tư, nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và quan trọng nhất là giải được bài toán thị trường.
Tính tới thời điểm hiện tại, EVFTA đã kết thúc cơ bản đàm phán với 14 phiên chính thức và nhiều phiên giữa kỳ.
Ngay khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 65% số dòng thuế, và sẽ dần xóa bỏ tiếp các dòng thuế khác trong vòng 10 năm sau đó.
Cùng với việc thúc đẩy xuất khẩu, nhập khẩu giữa Việt Nam và EU, hiệp định còn đồng thời mở ra cơ hội hợp tác lớn về đầu tư. Với mức độ cam kết đã đạt được, EVFTA được đánh giá là một hiệp định tương đối toàn diện, chất lượng cao và bảo đảm cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU.
Hiệp định khi được ký kết sẽ góp phần quan trọng trong việc đưa Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.
Sau khi hiệp định chính thức được ký kết, sẽ có hàng loạt công việc tiếp tục triển khai nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia vào hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư để cùng tìm ra dự án, chương trình hợp tác giữa các bên. Hiệp định chính thức được thông qua sẽ có tác động tích cực đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, mang lại lợi ích thiết thực cho cả Việt Nam và EU.
Năm 2014, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt hơn 36,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2013. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt gần 28 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt gần 9 tỷ USD. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của ta sang EU là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt