Thứ Tư, 14/10/2015 8:28:41 (GMT+7)

Đoàn doanh nghiệp Đức đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh

Trong 5 ngày, từ ngày 12-16 tháng 10 năm 2015, một phái đoàn gồm hơn 10 doanh nghiệp Đức có chuyến khảo sát, tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Đoàn doanh nghiệp Đức đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh

Thủy sản hiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Đức. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Sự kiện do Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (GIC/AHK) kết hợp với Tổ chức Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Đức (GTaI)  tổ chức.

Đoàn doanh nghiệp Đức đến Việt Nam lần này tập trung trong các lĩnh vực như: kiến trúc tổng thể và xây dựng công trình nước sạch, vật liệu xây dựng nội ngoại thất, công nghiệp bê tông đúc sẵn và nhà tiền chế, dụng cụ xây dựng cầm tay, công cụ chế tạo máy và gia công kim loại, gia công cơ khí chính xác, máy móc thiết bị ngành nhãn khoa, hóa chất dùng trong ngành thuộc da …

Trong đó nhiều nhà đầu tư tiềm năng như Selectrona GmbH, WMB Werkzeugmaschinenbau Halle GmbH hay Koenig Design… cho biết đang nghiên cứu môi trường và các địa điểm đầu tư tại Việt Nam.

Nhà sản xuất bê tông đúc sẵn với công nghệ tiên tiến B.T.innovation GmbH tìm kiếm đối tác Việt Nam hay doanh nghiệp lớn thứ 2 nước Đức, thứ 6 của Châu Âu là Norex Norika cũng mong muốn thông qua chương trình tìm kiếm các đối tác trong ngành nông nghiệp để chuyển giao công nghệ…

Trong khuôn khổ chương trình, GTAI và GIC/AHK Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn “Nhịp cầu Giao thương Doanh nghiệp Đức – Việt Nam” TP. Hồ Chí Minh vào ngày 15/10/2015  nhằm giao lưu gặp gỡ và thảo luận trực tiếp với đại diện của các doanh nghiệp Đức.

Tại diễn đàn, doanh nghiệp hai nước sẽ có cơ hội tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và kinh doanh cũng như về công nghệ và chuyển giao công nghệ. Qua đó góp phần hỗ trợ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp Đức kết nối, tìm kiếm các cơ  hội đầu tư tại Việt Nam.

Theo Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, Đức hiện là đối tác chiến lược chủ chốt và ủng hộ các lợi ích của Việt Nam trong EU.

Thương mại song phương năm 2014 đạt gần 8 tỷ Euro và tăng trưởng thương mại đạt mức trung bình từ 15 – 20% trong 5 năm qua.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Đức trong năm 2014 là điện thoại và phụ kiện (26%), hàng dệt may (14%), giày dép (11%), cà phê (9%), thủy hải sản (4%). Trong khi đó, hơn 45% sản phẩm xuất khẩu của Đức vào thị trường Việt Nam năm 2014 là máy móc và thiết bị.

Đức hiện có khoảng hơn 300 doanh nghiệp đang hoạt động và đầu tư tại Việt Nam.

 

Theo Thế Hải - Báo Thế Hải