DN Nhật Bản tăng cường tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam
Theo khảo sát mới công bố đầu năm 2014 của JETRO, 60% DN Nhật Bản tại Việt Nam đang kinh doanh có lãi; 70% trong số này đang có kế hoạch mở rộng quy mô vì thị trường Việt Nam tiềm năng tăng trưởng cao.
Ngày 11/6, một phái đoàn các DN Nhật Bản do lãnh đạo Công ty Fujitsu làm Trưởng đoàn đã đến Việt Nam trong khuôn khổ chương trình “Hội thảo tìm kiếm cơ hội hợp tác và phát triển kinh doanh tại Việt Nam”.
Chương trình này tiếp tục thể hiện sự quan tâm đặc biệt của các DN hàng đầu Nhật Bản đối với thị trường Việt Nam.
Nhật Bản hiện là quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI lớn nhất tại Việt Nam với tổng số vốn lên đến 35,4 tỷ USD. Thương mại hai chiều giữa Việt Nam-Nhật Bản năm 2013 đạt 25,3 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu 2 tỷ USD.
Nhiều DN Nhật Bản đã xuất hiện trên thị trường Việt Nam từ những năm đầu khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa, hợp tác kinh tế.
Theo khảo sát mới công bố đầu năm 2014 của Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), hiện nay 60% DN Nhật Bản tại Việt Nam đang kinh doanh có lãi, 70% trong số này đang có kế hoạch mở rộng quy mô vì thị trường Việt Nam tiềm năng tăng trưởng cao. Trong số đó, Tập đoàn Fujitsu đã có mặt ngay từ năm 1993 như một DN tiên phong trong lĩnh vực CNTT và viễn thông.
Phái đoàn các DN Nhật Bản do lãnh đạo Công ty Fujitsu dẫn đầu đến Việt Nam lần này dành sự quan tâm đặc biệt đến hạ tầng CNTT, một nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của các DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Phái đoàn gồm lãnh đạo cấp cao của 24 DN Nhật Bản hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như IT, ngân hàng, vận chuyển, sản xuất, phân phối dược phẩm có mong muốn khảo sát, tìm hiểu môi trường kinh doanh để quyết định đầu tư. Đoàn sẽ đến thăm một số DN, cơ sở công nghệ thông tin và làm việc tại Việt Nam đến ngày 14/6.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Trung tâm Dữ liệu (TTDL) Thăng Long của CTCP Dịch vụ số liệu toàn cầu (GDS) đã giành được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo các DN Nhật Bản.
GDS là đơn vị cổ phần có vốn góp của 2 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu Việt Nam (Tập đoàn VNPT) và Nhật Bản (Tập đoàn NTT) được thành lập năm 2008 và đang hoạt động hiệu quả với tốc độ tăng trưởng rất thuyết phục.
Ngay sau khi đến Hà Nội, lãnh đạo các DN Nhật Bản đã đến thăm TTDL Thăng Long tại KCN Thăng Long. Tại đây, đại diện GDS đã giới thiệu với DN Nhật Bản về hạ tầng được đầu tư với công nghệ hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế Tier-III của TTDL (đã được thiết lập và hoạt động ở Việt Nam từ năm 2009).
Ông Maruo Tetsu, Giám đốc Kinh doanh Công ty Fujitsu Việt Nam, một khách hàng lâu năm và trung thành của GDS đánh giá: “Sự khác biệt trong dịch vụ ICT của GDS không chỉ ở công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới mà là chất lượng dịch vụ ICT đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chất lượng vận hành của Trung tâm là điều luôn mang lại sự hài lòng và yên tâm cho khách hàng”.
Sau buổi đến thăm, được tận mắt chứng kiến các trang thiết bị tại TTDL Thăng Long, cơ chế vận hành khai thác cũng như kỹ năng, thái độ làm việc của các kỹ thuật viên của GDS… đại diện các DN đều khẳng định, TTDL Thăng Long của GDS thực sự đã được đầu tư những thiết bị công nghệ hàng đầu ngang tầm các TTDL tại Nhật Bản. Nếu quyết định đầu tư vào Việt Nam, các DN Nhật Bản có thể toàn tâm toàn ý tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính của mình vì hạ tầng CNTT sẽ được Công ty GDS cung cấp.
Lĩnh vực ICT ở Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng của cả nền kinh tế. Theo Sách trắng CNTT-truyền thông 2013 do Bộ TTTT phát hành, Việt Nam xếp thứ 4 Đông Nam Á về chỉ số CNTT. Có thể nói, thực tế này tạo ra nền tảng để Việt Nam mở rộng hợp tác, đầu tư và kinh doanh với các DN nước ngoài nói chung và DN Nhật Bản nói riêng.
Với những nỗ lực được triển khai từ phía cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các DN, tiêu biểu như GDS, có thể thấy Việt Nam luôn có tiềm năng và cơ hội hợp tác rất lớn. Các DN Nhật Bản luôn là một đối tác đầu tư cẩn thận và khó tính của DN Việt Nam, nhưng một khi đã có niềm tin, họ sẽ ở lại dài lâu với mục tiêu phát triển bền vững.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt