Dệt may sang Mỹ: Đã bớt trung gian
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang thị trường Mỹ không ngừng gia tăng, đạt xấp xỉ 10 tỷ USD năm 2014, đi kèm theo đó là xuất khẩu qua trung gian cũng giảm mạnh.
Ông Lê Quốc Ân, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), đồng thời là Trưởng ban cố vấn Vitas đã cho biết như vậy khi đánh giá về xuất khẩu dệt may sang Mỹ những năm qua và dự báo tương lai xuất khẩu của mặt hàng này sang Mỹ khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết và có hiệu lực.
Trước năm 2000, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam chỉ hơn 45 triệu USD, nhưng kể từ khi Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) được ký kết vào năm 2001, kim ngạch xuất khẩu lập tức vọt lên 1 tỷ USD trong năm sau đó và đến năm 2014 con số này đã gần chạm 10 tỷ USD, chiếm 10% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Mỹ.
Ngoài việc gia tăng rất nhanh giá trị xuất khẩu, theo ông Ân, đó là việc cải thiện chuỗi giá trị gia tăng của ngành dệt may Việt Nam, đầu tư từ các khu vực kinh tếđổ mạnh vào ngành dệt may, khiến quy mô sản xuất tăng lên, và các doanh nghiệp đã làm quen với môi trường kinh doanh, xuất khẩu mới. Tỷ trọng xuất khẩu trực tiếp ngày một tăng lên, giảm bớt khâu trung gian đã cho thấy sự chủ động của doanh nghiệp.
Trước đây doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi xuất qua Mỹ phải qua ít nhất 3 trung gian, nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã làm ăn trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ, hoặc chỉ qua một trung gian.
“Các nhà nhập khẩu và bán lẻ Mỹ luôn muốn đặt đơn hàng trực tiếp với doanh nghiệp Việt Nam, họ không thích đặt gia công, mà muốn nhà cung cấp phải cung cấp trọn gói, như lo cả phần nguyên phụ liệu. Bởi vậy, trong hơn 24,5 tỷ USD xuất khẩu của ngành dệt may có được năm 2014, giá trị thặng dư Việt Nam được giữ lại lên tới gần 50% chủ yếu nhờ vào thị trường Mỹ”, ông Ân dẫn chứng.
Vị cố vấn Vitas cũng đưa ra nhận định, nếu có TPP, hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn vì được hưởng thuế thấp, có một số dòng thuế hàng dệt may sẽ về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, và một số sẽ được giảm dần về 0%, thay vì chịu mức thuế chung bình quân 17% như đang phải chịu hiện nay.
Hiện tại, hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ đang chiếm khoảng 10% trong tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Mỹ, trong khi đó, Trung Quốc hiện chiếm 37%, tương đương với giá trị 42 tỷ USD. TPP có hiệu lực, dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ dự kiến sẽ sớm tăng lên gấp đôi so với mức 10% tại thời điểm này.
6 tháng đầu năm, ngành dệt may đã xuất khẩu sản phẩm dệt may trị giá 5,1 tỷ USD sang Mỹ, mục tiêu của ngành trong năm nay là xuất khẩu 11 tỷ USD.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt