Để có mùa FTA bội thu
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) chính thức ký kết vừa qua có thể coi là phát pháo mở màn cho “mùa FTA” của Việt Nam trong năm 2015, bởi ngay sau VKFTA, có thể là FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga – Belarus – Kazakhstan, FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
Tác động của các hiệp định thương mại tự do tới nền kinh tế Việt Nam, môi trường kinh doanh Việt Nam và từng doanh nghiệp Việt Nam không còn là dự báo. Nhưng “cơn sóng lừng” FTA dường như vẫn ẩn chứa quá nhiều thách thức.
Chỉ phân tích riêng VKFTA vừa ký kết, có thể thấy ngay việc cắt giảm thuế quan sẽ tạo thêm sức ép cạnh tranh, mặc dù lợi ích thu được từ hiệu quả nhập khẩu và xuất khẩu, động lực thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam vươn lên ứng phó với thách thức… sẽ là những yếu tố quan trọng giúp sản xuất trong nước phát triển. Đơn cử, Hàn Quốc sẽ tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 95,4% số dòng thuế, trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và hàng công nghiệp…
Cũng phải nói thêm, Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường với những sản phẩm hết sức nhạy cảm trong nước như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang… Hay như mặt hàng tôm, Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với lượng hạn ngạch 10 nghìn tấn/năm và tăng dần trong 5 năm đến mức 15 ngàn tấn/năm miễn thuế, trong khi hiện nay Việt Nam chỉ tận dụng được 2.500 tấn/năm miễn thuế trong tổng số 5.000 tấn/năm dành cho 10 nước ASEAN.
So ở góc độ này, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có thế cạnh tranh nổi trội hơn so với các đối thủ khác như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Song điều này không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ đương nhiên hưởng lợi, nhất là khi các rào cản kỹ thuật có thể sẽ được quy định chặt chẽ hơn, nhất là việc kiểm dịch đối với nông sản, thủy sản xuất khẩu.
Ví dụ điển hình là từ đầu năm 2013, Hàn Quốc cũng áp đặt việc kiểm tra 100% lô tôm của Việt Nam đối với chất Ethoxyquin ở mức 0,01 ppm tương tự như Nhật Bản. Hơn thế, những lợi ích từ mức thuế suất thấp chưa đủ hấp dẫn doanh nghiệp do các chi phí về chứng nhận xuất xứ và hải quan tăng. Việc xác định đúng mã HS cho sản phẩm cũng là một trở ngại lớn trong việc tính toán nội hàm giá trị khu vực…
Chính các doanh nghiệp cũng thừa nhận, thị trường Hàn Quốc không còn “thoáng” như trước, mà yêu cầu cao hơn về chất lượng, tính đồng đều, hình thức và phẩm cấp… Nếu so với các nhà cung cấp thủy sản hàng đầu cho nước này như Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Chilê, Thái Lan, Na Uy, Mỹ… đều rất có tiềm năng về nguồn lợi và năng lực, thì việc doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ cắt giảm hàng rào thuế quan không hề dễ.
Đây không chỉ là vấn đề riêng của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, nhưng vẫn chưa thấy cơ quan quản lý nhà nước cũng như hiệp hội doanh nghiệp lên tiếng nhiều về sự chuẩn bị ứng phó hay giảm thiểu thách thức với các hàng rào kỹ thuật này. Một lần nữa, câu chuyện Việt Nam hầu như không tận dụng được những hàng rào kỹ thuật được phép trong các cam kết sau 8 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) lại nổi lên.
Trong khi đó, theo VKFTA, Việt Nam cắt giảm thuế quan với 92,7% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 89,2% số dòng thuế, chủ yếu với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 3.000 cc trở lên, phụ tùng ô-tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cáp điện… Đây là thế mạnh của các doanh nghiệp Hàn Quốc do họ đã chuẩn bị khá sớm. Chỉ nhìn vào số vốn đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào Việt Nam quý I/2015 và cả năm 2014, Hàn Quốc đã nổi lên là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất về vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.
Còn quá nhiều việc phải làm để nền kinh tế Việt Nam, với doanh nghiệp Việt Nam có một mùa FTA bội thu…
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt