Thứ Tư, 08/01/2014 9:47:56 (GMT+7)

Để chính sách hỗ trợ DN hiệu quả

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp(DN), tuy nhiên một số chính sách hỗ trợ chưa đến với DN bởi có sự chậm trễ hoặc thực hiện kém hiệu quả, trong đó có cả việc DN kém khả năng hấp thụ sự trợ giúp đó.

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Trọng Hiệu, Phó Cục trưởng Cục phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tại Diễn đàn “Các giải pháp hỗ trợ Doanh nghiệp 2014” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Kế toán kiểm toán Việt Nam (VAA), Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp (INBUS) tổ chức ngày 7/1.

Dù có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng thực tế tình hình doanh nghiệp năm 2013 vẫn chưa được cải thiện nhiều. Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2013, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 76.955 doanh nghiệp, tăng 10,1% so với năm 2012 với tổng vốn đăng ký là 398,7 nghìn tỷ đồng, giảm 14,7%. Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động là 60.737 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm trước, trong đó số doanh nghiệp đã giải thể là 9.818 doanh nghiệp, tăng 4,9%… Về lý do ngừng hoạt động, 56,4% số doanh nghiệp trả lời do sản xuất thua lỗ kéo dài, 5,1% trả lời do năng lực quản lý, điều hành hạn chế và 38,5% trả lời do nguyên nhân khác như thiếu vốn sản xuất kinh doanh, không tìm kiếm được thị trường hoặc đang thuộc diện bán hoặc chờ sắp xếp lại.

Ông Nguyễn Trọng Hiệu, Phó cục trưởng Cục phát triển DN, cho biết năm 2014, Chính phủ sẽ tập trung mạnh hơn vào những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tái cấu trúc, giải quyết hiệu quả hơn vấn đề nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng… Đẩy mạnh tiến trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cổ phần hóa và tăng sự lan tỏa của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng kiên định với các chính sách hỗ trợ sẽ tạo cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp trong đó đặc biệt ưu tiên nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng trưởng, quay trở lại hoạt động, cộng hưởng với cú hích từ gia tăng thương mại và đầu tư nước ngoài.

Thay đổi để thích nghi

Phân tích về thách thức sắp tới, TS.Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng thời gian tới, chính sách giãn, giảm, miễn thuế đã thực hiện hết và không thể kéo dài mãi. Các biện pháp hỗ trợ khác như giảm lãi suất thì cũng hết dư địa khi kỳ vọng lạm phát vẫn ở mức 6-7%, hơn nữa, tác động lan tỏa từ tăng đầu tư công cũng chưa đến được trong năm 2014.

Đề xuất các giải pháp giúp doanh nghiệp cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh trong năm 2014, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, nhấn mạnh: Bên cạnh các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đồng bộ và hiệu quả của Nhà nước, doanh nghiệp cần phải chủ động “cứu mình” bằng những giải pháp phù hợp. Cụ thể, để giảm thiểu tối đa rủi ro, doanh nghiệp chỉ nên kinh doanh ở lĩnh vực có lợi thế, các ngành nghề cốt lõi, không kinh doanh tràn lan, chạy theo đám đông. Lợi ích chính sách không đến ngẫu nhiên, thay vào đó doanh nghiệp cần phải chủ động cập nhật chính sách để có giải pháp phù hợp. Đồng thời, cần thiết lập kế hoạch kinh doanh rõ ràng và dài hạn.

Nhấn mạnh tới sự thích nghi của doanh nghiệp trong thị trường quốc tế, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, bên cạnh những khó khăn, năm 2014 được dự đoán sẽ mang lại nhiều cơ hội kinh doanh và hợp tác mới cho Việt Nam, điển hình là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Không chỉ có TPP, Việt Nam đang thúc đẩy quá trình đàm phán nhiều hiệp định thương mại và hợp tác khác như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Thương mại tự do với châu Âu hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

TS.Võ Trí Thành cho rằng, doanh nghiệp cần cảnh giác với rủi ro tài chính bởi khi còn bất định, có rủi ro là có sự méo mó thị trường và sẽ có những trò chơi tài chính. Ví dụ như kiểu đầu cơ đón đầu lãi suất giữa nội tệ và ngoại tệ… thế nhưng những trò chơi này rủi ro rất lớn.

“Thế giới không phẳng mà rất “gồ ghề” cần nắm bắt và thích nghi, xây dựng nền tảng cho quản trị DN, sẵn sàng quản trị sự bất định và rủi ro”, TS. Thành nhấn mạnh.

Theo Huy Thắng - Báo điện tử Chính phủ