Đầu tư R&D, tiền về như nước
Nhóm nghiên cứu Vietnam Report vừa phác họa về đầu tư cho khoa học và công nghệ của doanh nghiệp lớn trong Bảng xếp hạng VNR500…
R&D hay là “chết”
Trong “lời phi lộ”, Nhóm nghiên cứu của Vietnam Report cho rằng, xu hướng phát triển ngành nghề trong thời gian tới sẽ tập trung các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ cao. Trong thời đại công nghệ phát triển vô cùng mạnh mẽ như ngày nay, nhiều ngành của Việt Nam đang dần có nguy cơ bị đe dọa nếu như không bắt kịp với tiến độ phát triển của thế giới. Chính vì vậy, hơn ai hết, chính doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn hiểu rằng, việc đổi mới, sáng tạo về sản xuất sản phẩm và công nghệ quản trị là yếu tố then chốt trong quá trình phát triển.
Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp lớn VNR500 năm 2016, trong số các kênh chuyển giao công nghệ, kênh nhận được nhiều phản hồi từ phía doanh nghiệp là thông qua phương thức mua công nghệ được thể hiện bằng hàng hóa với gần 40%. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp vẫn chủ yếu lựa chọn hình thức mua công nghệ sẵn có đã hoàn thiện. Có 36% doanh nghiệp chọn sử dụng công nghệ do các công ty ngoài tập đoàn và gần 30% doanh nghiệp mua công nghệ từ các tổ chức nghiên cứu hoặc công ty khác. Hình thức liên kết với các tổ chức nghiên cứu ít nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp.
Nhóm nghiên cứu của Vietnam Report cũng nhận xét rằng, phần lớn các doanh nghiệp lớn trong Bảng xếp hạng VNR500 đều tỏ ra coi trọng đối với vấn đề nghiên cứu và phát triển (R&D). Có 81% doanh nghiệp phản hồi là có quan tâm và đầu tư cho R&D của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một tỷ lệ 19% doanh nghiệp không mấy “mặn mà” với các hoạt động R&D và chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của hoạt động khoa học công nghệ trong doanh nghiệp.
“Đây có thể trở thành một hạn chế đối với các doanh nghiệp lớn, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, Nhóm nghiên cứu của Vietnam Report cảnh báo.
Còn theo Báo cáo mới nhất của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong tổng số 36 tổ chức được cấp Giấy chứng nhận công nghệ cao thì tỷ lệ chi phí dành cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp công nghệ cao trung bình đạt 2,34% trên tổng doanh thu, còn chi phí cho hoạt động R&D của các dự ánứng dụng công nghệ cao trung bình đạt 2,62% trên tổng doanh thu.
Càng đầu tư lớn vào R&D, càng đạt doanh thu khủng
Đối với các doanh nghiệp quan tâm đầu tư đến hoạt động R&D, 41% doanh nghiệp cho biết thực hiện hoạt động nghiên cứu nhằm hướng tới một công nghệ hay sản phẩm mới với thị trường trong nước, 27% doanh nghiệp hy vọng đem đến sự đổi mới với thị trường thế giới, 25% doanh nghiệp thực hiện R&D nhằm mục đích hướng cả ra bên ngoài doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát trên đã chứng tỏ doanh nghiệp có tầm nhìn mở rộng, chứ không chỉ bó hẹp trong hoạt động nghiên cứu vì mục đích nội bộ của doanh nghiệp. Trên thực tế, trong nhóm các doanh nghiệp lớn, đã có một số doanh nghiệp rất thành công từ việc coi trọng đầu tư cho R&D như Viettel đã thành lập các viện nghiên cứu riêng hoạt động theo mô hình của các tập đoàn lớn trên thế giới và trích 10% lợi nhuận trước thuế cho Quỹ Phát triển khoa học công nghệ, tương đương 2.500 tỷ đồng. Hiện nay, doanh nghiệp này đã có 7 đơn vị nghiên cứu (Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel, Viện Hàng không vũ trụ Viettel, Trung tâm Nghiên cứu công nghệ mạng, Trung tâm Nghiên cứu sản xuất các thiết bị đầu cuối, Trung tâm An ninh mạng, Trung tâm Giải pháp công nghệ thông tin và viễn thông, Trung tâm Phần mềm) và 2 nhà máy sản xuất (Công ty Thông tin M1, Công ty Thông tin M3). Hàng năm có hàng chục ngàn sáng kiến, ý tưởng, sản phẩm mới… đóng góp vào doanh thu hơn 10 tỷ USD/năm cho Viettel.
Ngoài ra, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, nhiều tấm gương điển hình cho sự thành công nhờ đầu tư R&D khác cũng rất đáng để học tập.
Đó là Công ty VNPT Technology thuộc Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) với hơn 600 kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ công nghệ, đang tập trung nghiên cứu phát triển trong các phòng Lab công nghệ, cho ra đời các sản phẩm công nghệ do chính VNPT Technology nghiên cứu, phát triển, thiết kế và sản xuất. Doanh thu của Công ty tăng trưởng theo cấp số nhân: năm 2014 là 1.200 tỷ đồng, năm 2015 đạt 2.300 tỷ đồng và năm 2016 khoảng 5.000 tỷ đồng.
Hay như Công ty Bóng đèn – Phích nước Rạng Đông đã đầu tư đổi mới công nghệ trong sản xuất, thành lập Trung tâm R&D, liên kết với các nhà khoa học để nghiên cứu sản xuất thành công nhiều sản phẩm ưu việt được thị trường chấp nhận và có khả năng cạnh tranh cao. Từ năm 2012, Công ty đã quyết định dành 20% lợi nhuận trước thuế hàng năm đầu tư nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất. Nhờ vậy, hiện tại doanh thu hàng năm của Rạng Đông đạt khoảng 3.000 tỷ đồng và trở thành doanh nghiệp đứng đầu trong ngành, chiếm lĩnh khoảng 40% thị trường trong nước.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt