Đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm 2021-2025 khoảng 6,5-7%
Trong kế hoạch 5 năm tới, Việt Nam dự kiến đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân khoảng 6,5-7%, GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700-5.000 USD.
. |
Chiều 29/9, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Đoàn công tác của Quốc hội đã có buổi làm việc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Một trong những nội dung quan trọng của buổi làm việc đó là đánh giá lại tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội 2016-2020, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn tới.
2016-2020: tăng trưởng bình quân 5,8%, không đạt mục tiêu
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong giai đoạn 5 năm 2016-2020, kinh tế – xã hội Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.
Một trong số đó có thể kể đến, là quy mô GDP tiếp tục được mở rộng, đến năm 2020 ước đạt khoảng 269 tỷ USD, tăng 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD/người, gấp khoảng 1,3 lần so với năm 2015.
Qua đánh giá sơ bộ 18/21 chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội, thì có 14 chỉ tiêu đạt và vượt, 4 chỉ tiêu không đạt mục tiêu, bao gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị.
Liên quan đến chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, tốc độ tăng GDP giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, ở mức bình quân 6,8%, với sự gia tăng liên tục qua các năm và cao nhất trong hai năm 2018-2019, trong bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực gặp nhiều khó khăn.
Năm 2020, mặc dù kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều quốc gia có mức dự báo tăng trưởng âm, tuy nhiên Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng khoảng 2%. Theo đó, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 – 2020 ước đạt khoảng 5,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới.
Đánh giá về con số này, ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, rằng, kết quả của năm 2020 sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nhiệm kỳ. Do đó, khi đánh giá về tình hình kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020, nên tách riêng năm 2020 để có thể nhìn nhận bức tranh kinh tế một cách khách quan.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã dự kiến khi đánh giá về tình hình thực hiện Kế hoạch 2016-2020 cũng tách thành hai giai đoạn để đánh giá.
“Tách như thế sẽ thấy rõ những thành tựu, nỗ lực của giai đoạn 2016-2019. Năm 2020 là do ảnh hưởng của Covid-19 nên là bất khả kháng, nhưng cũng đã kéo kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm xuống”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho biết, sẽ đánh giá thật sâu sắc các tác động của đại dịch Covid-19 tới kinh tế – xã hội Việt Nam, để không chỉ đánh giá chính xác những thành tựu của 5 năm qua, mà còn để chuẩn bị cho xây dựng kế hoạch 5 năm tới.
Liên quan đến việc đánh giá 5 năm 2016-2020, ông Nguyễn Minh Sơn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, bên cạnh chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, cần làm rõ thêm một số vấn đề, như 3 đột phá chiến lược có chuyển biến nhưng chưa đột phá, chuyển đổi mô hình tăng trưởng chưa rõ nét… Đặc biệt, có 4 chỉ tiêu không đạt, nhưng đều là các chỉ tiêu quan trọng.
Mục tiêu 2021-2025, tăng trưởng GDP 6,5-7%
Mới chỉ là những phác thảo ban đầu, song Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội 2021-2025 đã dự kiến đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể. Chẳng hạn, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700-5.000 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.
Như vậy, mặc dù tình hình còn nhiều khó khăn, các mục tiêu bước đầu đặt ra cho giai đoạn 5 năm tới là khá tham vọng. Mục tiêu tổng quát là “bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 – 2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp”.
Đồng tình với các báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, song ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, cần phân tích rõ bối cảnh ngay từ đầu, kể cả trong đánh giá nhiệm kỳ cũ, cũng như chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn tới.
Trong 5 năm tới, theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, bối cảnh kinh tế – xã hội sẽ rất khác giai đoạn trước, nhất là sau Covid-19.
“5 năm qua, chúng ta đã triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội trong bối cảnh rất đặc biệt. 4 năm đầu, nền kinh tế vận hành khá trơn tru, nhưng năm cuối lại diễn biến khó lường, không tưởng tượng được. Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả. Có lẽ là từ đại khủng hoảng 1930 trở lại đây, chưa từng có như vậy”, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.
Đó cũng chính là lý do khiến Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đồng tình cho rằng, trong xây dựng kế hoạch 5 năm tới, cần làm rõ hơn về yếu tố bối cảnh.
“Năm 2021, tình hình vẫn rất khó khăn. Đại dịch Covid-19 chưa thể xử lý dứt điểm trước tháng 6/2021, thế giới cũng chưa thể quay trở lại trạng thái bình thường. Năm 2021, có thể vẫn phải vừa lo chống dịch vừa lo phục hồi kinh tế. Khả năng phải tới năm 2023, tình hình mới bình thường trở lại”, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển nói.
Tình hình còn khó khăn và khó lường như vậy, nên việc xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn tới cũng sẽ được thực hiện một cách thận trọng hơn. Thông tin cho biết, có thể, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn tới cũng sẽ được chia làm 2 giai đoạn, 2 năm đầu là phục hồi, 3 năm sau là tăng tốc.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt