Đàm phán TTP: Bảo đảm tối đa các quyền lợi cốt lõi của Việt Nam
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam về Hiệp định đối tác xuyên Thái bình dương (TPP), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh hiện đang có mặt tại Hoa Kỳ để thảo luận với Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) về các vấn đề có liên quan tới đàm phán TPP.
Ngày 14/8, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về tiến trình đàm phán TPP và một số vấn đề có liên quan tới Việt Nam trong đàm phán.
Về lý do Hội nghị Bộ trưởng các nước TPP vừa kết thúc tại Hawaii mà không đạt được thỏa thuận cuối cùng, ông Trần Quốc Khánh cho biết sau khi Hoa Kỳ có được Thẩm quyền đàm phán nhanh (TPA), tất cả các nước đều đã hết sức nỗ lực tại Hawaii để xử lý các vấn đề tồn đọng nhằm kết thúc đàm phán.
Các Bộ trưởng, vì vậy, đã đạt được thỏa thuận về gần như tất cả các vấn đề, kể cả các lĩnh vực khó như đầu tư, dịch vụ tài chính, môi trường, doanh nghiệp nhà nước…
Tuy nhiên, đàm phán vẫn chưa thể kết thúc vì còn ba nội dung quan trọng chưa đạt được đồng thuận.
Nội dung thứ nhất là mở cửa thị trường ôtô. Hoa Kỳ và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận về ôtô nhưng Mexico và Canada chưa nhất trí với thỏa thuận này do trong đó cho phép Nhật Bản được hưởng quy tắc xuất xứ linh hoạt hơn quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Sau 20 năm thực hiện NAFTA, Mexico và Canada đã trở thành hai nước xuất khẩu lớn mặt hàng ôtô và phụ tùng ôtô vào Hoa Kỳ. Nếu ôtô Nhật Bản được hưởng quy tắc xuất xứ linh hoạt, tức là có thể sử dụng phụ tùng, linh kiện sản xuất ngoài TPP, thì Nhật Bản sẽ có sức cạnh tranh lớn hơn và sẽ có thêm thị phần trên thị trường Hoa Kỳ, ảnh hưởng tới Mexico và Canada.
Trong khi đó, đối với Nhật Bản, mặt hàng ôtô lại có tầm quan trọng đặc biệt nên một khi đã phải đưa ra rất nhiều nhượng bộ về nông sản để đổi lấy việc mở cửa thị trường ôtô, họ sẽ không chấp nhận lùi bước.
Có thể nói đây là nguyên nhân cơ bản khiến Hội nghị Bộ trưởng các nước TPP tại Hawaii không thể kết thúc thành công.
Nội dung thứ hai là mở cửa thị trường sữa. Sữa là mặt hàng quan trọng đối với Australia và New Zealand. Tuy nhiên, bản chào của một số nước cho Australia và New Zealand vẫn còn quá khiêm tốn nên cả Australia và New Zealand đều chưa chấp nhận.
Nội dung thứ ba là sở hữu trí tuệ. Đàm phán sở hữu trí tuệ vẫn còn một số vấn đề chưa kết thúc nhưng nổi bật nhất là thời gian bảo hộ độc quyền dữ liệu thử nghiệm cho thuốc sinh học (sinh dược).
Do có đặc thù riêng nên sinh dược rất khó dùng bằng sáng chế để bảo hộ. Vì vậy, các nhà sản xuất sinh dược đề nghị kéo dài thời gian bảo hộ độc quyền dữ liệu thử nghiệm so với thông lệ chung là 5 năm. Hoa Kỳ đề nghị 12 năm nhưng tất cả các nước đều phản đối.
Một số vấn đề khác, trong đó có dệt may, cũng chưa đạt được đồng thuận nhưng do số lượng các nước liên quan ít hơn ba vấn đề kia nên không được truyền thông đề cập nhiều.
Về thông tin báo chí từ Vụ Chính sách thương mại đa biên Bộ Công Thương nói rằng Việt Nam đã kết thúc đàm phán song phương với tất cả các nước, nhưng ông Trần Quốc Khánh lại nói rằng cho tới nay vẫn còn vấn đề dệt may, ông Khánh cho biết khi đưa thông tin ra báo chí, cán bộ Vụ chính sách thương mại đa biên quen dùng thuật ngữ của TPP nên đã dẫn tới sự hiểu lầm. Trong đàm phán TPP, “đàm phán song phương” được dùng để chỉ các vấn đề thuần túy song phương, không liên quan tới các nước khác. Dệt may, do tính chất đặc thù của nó, là vấn đề đa phương, liên quan nhiều nước. Giày dép và một số vấn đề khác cũng vậy.
Việt Nam có thể trao đổi song phương với các nước có liên quan nhưng kết quả thảo luận song phương vẫn phải đưa ra đa phương xem xét. Chỉ khi nào có được đồng thuận đa phương thì những vấn đề đó mới được coi là kết thúc.
Về thời điểm các nước TPP có thể tổ chức Hội nghị Bộ trưởng tiếp theo và liệu tại hội nghị đó có kết thúc được đàm phán hay không, ông Trần Quốc Khánh cho biết khả năng tổ chức Hội nghị các bộ trưởng tiếp theo vào cuối tháng Tám là khó vì các nước cũng cần thời gian để thảo luận song phương về các nội dung khó còn tồn đọng, trong đó có những vấn đề mà tôi đã đề cập.
Theo ông Trần Quốc Khánh thì đang có các cuộc trao đổi ở cường độ rất cao. Như Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Australia Andrew Robb từng nói các nước đã đi được “98% chặng đường” nên không nước nào muốn bỏ lỡ cơ hội có được hiệp định trong năm nay.
Tuy nhiên, nếu để muộn quá, Hoa Kỳ sẽ không kịp trình Hiệp định ra Quốc hội trước khi bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 2016. Xuất phát từ đây, ông Trần Quốc Khánh cho rằng không thể tổ chức Hội nghị Bộ trưởng muộn hơn tháng Chín.
Hội nghị Bộ trưởng tiếp theo, nếu được tổ chức, sẽ thực sự là Hội nghị Bộ trưởng cuối cùng, có tính quyết định. Vì vậy, nếu các nước đồng thuận tổ chức, có thể tin là đã có kết quả khích lệ trong trao đổi song phương trước đó.
Rủi ro có thể vẫn còn nhưng nếu tổ chức được Hội nghị Bộ trưởng thì xác suất thành công là rất cao. Đoàn đàm phán Việt Nam, vì vậy, vẫn đang tích cực trao đổi song phương với Hoa Kỳ và một số nước khác để bảo đảm tối đa các quyền lợi cốt lõi của Việt Nam trước khi bước vào Hội nghị Bộ trưởng cuối cùng này.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt