Thứ Ba, 21/07/2015 8:13:10 (GMT+7)

Công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đang nhiều cơ hội

Ông Koichiro Suzaki, Giám đốc Yahata Vietnam – thương hiệu có hơn 80 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất đến từ Nhật Bản tham dự sự kiện Vietnam Manufacturing Expo 2015 diễn ra từ ngày 10 – 12/9 tại Hà Nội, chia sẻ về chiến lược kinh doanh của Công ty cũng như nhận định về ngành công nghiệp Việt Nam.

Công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đang nhiều cơ hội

Ông Koichiro Suzaki, Giám đốc Yahata Vietnam

Ông có thể cho biết bí quyết kinh doanh của Yahata cũng như hoạt động của Công ty tại Việt Nam?

Được thành lập ngày 1/6/1929, Yahata Nhật Bản có trụ sở chính ở Osaka, hoạt động trong lĩnh vực thương mại và sản xuất. Những ngày đầu, Công ty chủ yếu sản xuất bu lông, ốc vít, hàng ghép buộc để cố định một số chi tiết khi lắp ráp. Yahata đã khởi nghiệp từ những sản phẩm đơn giản như vậy để cung cấp cho các nhà máy lắp ráp, sản xuất, sau mở rộng mua nguyên liệu, gia công và tự sản xuất hoàn chỉnh một số máy móc, thiết bị nông nghiệp như bàn nâng loại nhỏ và máy cắt cỏ cho vườn rộng hoặc sân golf.

Đến nay, Công ty sản xuất không chỉ máy nông nghiệp, mà cả máy xây dựng, máy gia công cơ khí và các thiết bị y tế. Công ty có nhà máy sản xuất đặt tại Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc và Mỹ, với hơn 6.000 mặt hàng vừa sản xuất, vừa kinh doanh.

Vào Việt Nam từ 3 năm trước, Yahata hợp tác với một số công ty tại Việt Nam để sản xuất hàng hóa rồi xuất khẩu ra nước ngoài. Yahata Việt Nam chuyên về sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghiệp, như bu lông, vòng kẹp, đinh tán, thành phần máy nông nghiệp, xây dựng và các thiết bị công nghiệp khác. Ngoài ra, Công ty còn tham gia tư vấn và kiểm tra hàng hóa cho một số nhà máy sản xuất cần đạt theo tiêu chuẩn Nhật Bản.

Ông đánh giá ra sao hiệu quả chiến lược marketing khi tham gia Triển lãm Reed Tradex những năm qua? Kỳ vọng của Yahata đối với Vietnam Manufacturing Expo 2015 là gì?

Yahata đã tham gia Triển lãm Vietnam Manufacturing Expo do Reed Tradex tổ chức trong nhiều năm liền. Thông qua triển lãm này, Yahata đã thu hút được nhiều khách hàng cũng như bán được nhiều sản phẩm. Tôi cho rằng, đây là một triển lãm thật sự hiệu quả.

Từ ngày 10 đến 12/9/2015, tại Trung tâm Triển lãm quốc Tế I.C.E Hà Nội, sẽ diễn ra Triển lãm “Vietnam Manufacturing Expo 2015”, sự kiện dành cho các nhà công nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Triển lãm sẽ trưng bày các máy móc và công nghệ tiên tiến nhất phục vụ sản xuất công nghiệp của hơn 200 thương hiệu đến từ 20 quốc gia. Tại kỳ triển lãm năm nay, chúng tôi hy vọng sẽ có thêm những khách hàng mới.

Ông nhìn nhận thế nào về ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam trong những năm qua?

Cho đến nay, Việt Nam đã thu hút khá nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt trong lĩnh vực điện tử và sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, ngành công nghiệp phụ trợ, gia công tại Việt Nam vẫn chưa thật sự phát triển mạnh. Tôi cho rằng, đây sẽ là một trong những trở ngại lớn cho việc thu hút các dự án FDI thời gian tới.

Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, đa số công ty Nhật Bản vẫn đang phải nhập nguyên vật liệu, sản phẩm phụ trợ từ các nước khác cho nhà máy sản xuất của mình tại Việt Nam. Điều này làm tăng chi phí sản xuất cho các công ty Nhật Bản. Vì thế, các doanh nghiệp FDI nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng còn e ngại việc đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Trong khi đó, tại Thái Lan, nước này có những nhà máy sản xuất nông nghiệp rất lớn, nên dễ kéo theo các công ty sản xuất phụ trợ. Đa số công ty Nhật Bản là các công ty phụ trợ, vì thế công ty sản xuất ở đâu sẽ có các công ty phụ trợ ở đó.

Việt Nam cần có những chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, có những công ty sản xuất máy móc hoàn chỉnh để kéo theo các công ty nước ngoài sản xuất phụ trợ.

Ông có lời khuyên gì cho ngành công nghiệp Việt Nam?

Để nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp Việt Nam, thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ phát triển, cũng như đáp ứng tiêu chuẩn của các nhà sản xuất nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam phải được trang bị máy móc hiện đại và lực lượng lao động lành nghề để vận hành các máy móc đó.

Có thể nói, công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển. Cụ thể, các tập đoàn lớn của nước ngoài đã thành lập các cơ sở sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam, nên cần nhiều công ty phụ trợ tại địa phương nhằm giảm chi phí và rủi ro vận chuyển. Đây sẽ là động lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển.

Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực cải thiện ngành công nghiệp phụ trợ. Ví dụ, ngành công nghiệp phụ trợ cho sản xuất xe máy đã gặt hái được thành công khi 95% bộ phận xe máy sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu.

 

Theo Nguyễn Chung - Báo Đầu tư