Công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi mạnh mẽ
Bước ra từ phòng Họp Chính phủ – Phiên họp thường kỳ tháng 7/2015 muộn gần 30 phút so với dự kiến, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, điểm sáng của tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2015 là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phục hồi mạnh mẽ.
Cụ thể, theo Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Nguyễn Văn Nên, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 ước tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 11,3% so với tháng 7/2014. Tính chung 7 tháng đầu năm, IIP ước tăng 9,9%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước (năm 2013: 5,2%; năm 2014: 6,2%); trong đó: sản xuất và phân phối điện tăng 11,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1%; ngành khai khoáng tăng 9,2%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,1%. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phục hồi mạnh mẽ: So với cùng kỳ năm trước, IIP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1%, cao hơn mức tăng 8,1% của cùng kỳ năm trước.
Về sản lượng khai thác dầu thô trong nước: Tháng 7 ước đạt 1,45 triệu tấn, giảm khoảng 1,4% so với tháng trước, nhưng tăng 14,4% so với tháng 7/2014; tính chung 7 tháng đầu năm ước đạt 9,85 triệu tấn, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thời điểm 01/7/2015 tăng 10,3% so với cùng thời điểm năm 2014, thấp hơn mức tăng cùng thời điểm năm trước (tăng 13,2%).
Trước đó, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,13% so với tháng trước. Hầu hết các nhóm hàng hóa, dịch vụ chính đều có chỉ số giá tăng, trong đó: tăng cao nhất là giá nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép, tăng 0,25%; tiếp đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, tăng 0,22%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,18%; nhóm giao thông và nhóm văn hóa, giải trí, du lịch đều tăng ở mức 0,16%; các nhóm khác tăng nhẹ ở mức 0,01-0,15%. Riêng chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02%.
CPI tháng 7 tăng 0,68% so với tháng 12/2014. So với cùng kỳ năm trước: CPI tháng 7 tăng 0,9%, bình quân 7 tháng đầu năm tăng 0,86%. Lạm phát cơ bản tháng 7 tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 2,04% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 7 tháng tăng 2,22% so với cùng kỳ năm trước.
Về đầu tư phát triển, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng đầu năm ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 2,3%). Tổng vốn đăng ký ước đạt trên 8,8 tỷ USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 19,9%). Có 1.068 dự án cấp mới, tăng 20,1% so với cùng kỳ; 341 lượt dự án tăng vốn, tăng 13,7%.
Vốn FDI thực hiện tiếp tục tăng so với cùng kỳ, cùng với việc tăng cao của số dự án cấp mới và tăng vốn cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta đã có những dấu hiệu cải thiện, niềm tin của các nhà đầu tư đã dần tăng lên. Tuy nhiên, tổng số vốn đăng ký (gồm cấp mới và tăng thêm) 7 tháng đầu năm 2015 chỉ gần bằng 93% tổng số vốn đăng ký cùng kỳ năm trước do vốn đăng ký tăng thêm thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân trong 7 tháng đầu năm ước đạt 3.500 triệu USD, tăng khoảng 10,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: vốn vay đạt 3.350 triệu USD; viện trợ không hoàn lại đạt 150 triệu USD.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt