Chính phủ tiếp tục họp trực tuyến để thúc đầu tư công
Hôm nay (21/8), Chính phủ sẽ một lần nữa họp trực tuyến với các bộ ngành, địa phương để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Xác định đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp tích cực để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế – xã hội, thêm một lần nữa, Thủ tướng Chính phủ họp trực tuyến với các bộ ngành, địa phương để “thúc” đầu tư công.
Hôm nay, 21/8, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục họp trực tuyến với các bộ ngành, địa phương để “thúc” đầu tư công.. |
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay sau Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc nhằm đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020, được Chính phủ tổ chức vào trung tuần tháng 7/2020, đã có 7 đoàn công tác tới tận các địa phương để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công.
Nhờ sự nỗ lực này, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến tích cực so với những tháng đầu năm, đặc biệt là khối địa phương.
Cụ thể, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến 31/7/2020 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm số vốn các năm trước kéo dài sang năm 2020).
Tuy nhiên, ước giải ngân đến 31/8/2020 là 221.768,74 tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm. Vào cùng thời điểm của năm trước, tỷ lệ đạt được chỉ là 41,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, việc giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến tích cực hơn.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện đã có 5 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%. Trong đó, có thể kể đến Bộ Nội vụ, Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Nhà văn Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam…
Bên cạnh đó, là Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Tây Ninh, Tiền Giang.
Tuy nhiên, vẫn có 29 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%. Trong đó, có 15 bộ, cơ quan trung ương và 01 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%.
Thực tế này chính là một trong những vấn đề khiến Thủ tướng Chính phủ rất sốt ruột. Đó là cùng một thể chế, chính sách, nhưng có nơi giải ngân rất tốt, có địa phương lại giải ngân thấp. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do yếu tố chủ quan, do sự nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của các lãnh đạo địa phương.
Bên cạnh đó, tổng hợp báo cáo từ 7 đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất – kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khó khăn lớn nhất trong công tác giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm 2020 đến nay là công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù.
Một ví dụ cụ thể có thể nhắc đến, đó là tại dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, những vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư của các dự án thành phần là rất lớn.
Công tác này thuộc trách nhiệm của các địa phương (dự án đi qua 13 tỉnh, hầu hết các địa phương đều có vướng mắc chưa xử lý như: hạng mục xây dựng tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật điện, nước, viễn thông…).
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt