Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,9%
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó, ngành khai khoáng tăng 8%, đóng góp 2,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4%, đóng góp 7 điểm phần trăm; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 11,4%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 6,9%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Một số ngành có chỉ số sản xuất 8 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học tăng 40,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 30,1%… Một số ngành có mức tăng khá: Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 12,1%; khai khoáng khác tăng 12,1%.
Một số ngành có mức tăng thấp: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 8,4%; khai thác dầu khô và khí đốt tự nhiên tăng 8,3%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,6%; khai thác than cứng và than non tăng 5,8%.
Trong 8 tháng năm nay, một số sản phẩm công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Ô tô tăng 59,2%; điện thoại di động tăng 58,1%; ti vi tăng 39,4%; giày, dép da tăng 24,7%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như: Thái Nguyên tăng 193,6%; Quảng Nam tăng 34,8%; Hải Phòng tăng 14,8%; Đà Nẵng tăng 13,2%.
Tiêu thụ và tồn kho đều tăng
Tính chung 7 tháng, chỉ số tiêu thụ tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao, gồm: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 38,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 29,9%; sản xuất kim loại tăng 23%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 10,5%.
Tuy nhiên, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/8 tăng 10,1% so với cùng thời điểm năm 2014.
Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung, như sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 4,2%; sản xuất trang phục tăng 3,1%.
Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm, gồm sản xuất thiết bị điện giảm 2,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 3%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất giảm 9,9%.
Tỉ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 7 tháng năm 2015 là 74,6%, trong đó, một số ngành có tỉ lệ tồn kho cao: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 146,3%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 115,7%; sản xuất chế biến thực phẩm 101,1%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/8/2015 tăng 6,3% so với cùng thời điểm năm trước. Lao động của các doanh nghiệp tại thời điểm 1/8 so với cùng thời điểm năm trước của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Thái Nguyên tăng 43,3%; Vĩnh Phúc tăng 18%.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt