“Chỉ mặt” những rào cản trong hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản
Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) được đánh giá sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, dịch vụ logistics, sản xuất công nghiệp phụ trợ, chế tạo linh kiện, thiết bị…
Diễn đàn kinh tế Việt Nam-Nhật Bản 2015 vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội đã phát đi nhiều thông điệp của lãnh đạo Chính phủ, đại diện các bộ, ngành có liên quan và cộng đồng doanh nghiệp hai nước về những giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế cũng như giải quyết những vướng mắc về thể chế pháp luật và các chính sách kinh tế phù hợp.
Nhận diện những rào cản
Ông Shimon Tokuyama, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng hoạt động đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam có mục đích ban đầu là hướng vào xuất khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam là thị trường lớn với hơn 90 triệu dân, tăng trưởng kinh tế vững chắc, chính trị ổn định, coi trọng quan hệ hợp tác với Nhật Bản; đồng thời Việt Nam cũng tích cực tham gia các hiệp định thương mại, nhất là Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Điều đó cho thấy, Việt Nam thực sự là thị trường tiềm năng và các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn được tiếp tục đầu tư lâu dài.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng sự phức tạp về thủ tục hành chính ở Việt Nam đang cản trở bước tiến quan hệ hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Nhiều ngành, lĩnh vực còn khó khăn, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức nên chậm phát triển như công nghiệp hỗ trợ, xây dựng hạ tầng giao thông, bệnh viện hay cung cấp điện, nước.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng với các hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký kết với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trong đó có Nhật Bản đã mở ra nhiều cơ hội mới về thị trường, thu hút đầu tư-công nghệ, mang lại động lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Song, cần nhìn nhận rõ những cơ hội, thách thức đặt ra cho Việt Nam và cần hiểu rõ luật chơi khi hội nhập quốc tế; trong đó có việc vẫn chưa hình thành được một chuỗi giá trị, hay phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa được quan tâm.
Theo đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản cũng như nhiều hiệp định thương mại tự do đã ký kết với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới mang lại cơ hội về nguồn vốn, kinh nghiệm quản lý, công nghệ sản xuất hay dịch vụ hiện đại… từ làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI), từ đó, lan tỏa ra các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam.
Mở hướng cho doanh nghiệp
Để những lợi ích từ hội nhập không dồn vào “vùng trũng FDI” và để các doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác hiệu quả và cùng hưởng lợi với các nhà đầu tư nước ngoài…, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng điều đầu tiên là sự vào cuộc của các cơ quan Nhà nước có liên quan trong việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Thông tin cần cụ thể, dễ hiểu và dễ dàng tiếp cận. Việc xây dựng một kênh tham vấn doanh nghiệp thường xuyên và hiệu quả trong việc thực thi các cam kết thương mại chính là điều còn thiếu, còn làm chưa tốt và cần nhanh chóng thay đổi.
Để có thể thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Việt Nam-Nhật Bản, theo ông Shimon Tokuyama, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp; cân đối lại mức lương cơ bản cho người lao động; cụ thể hóa và rõ ràng các chính sách phát triển của từng ngành kinh tế như tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp chế tạo ôtô, linh kiện…
Ngoài ra, cũng cần có chính sách phù hợp để sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ODA nhằm đầu tư đúng và trúng vào những ngành, lĩnh vực có yêu cầu phát triển. Việt Nam cũng cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn, thúc đẩy sự phát triển không chỉ của doanh nghiệp nội địa mà cả các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt cần tận dụng cơ hội tới từ những chuyên gia ở các nước đối tác.
Cùng có chung quan điểm, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh liên quan đến lương tối thiểu. Đây là mối quan hệ cần đảm bảo sự hài hòa giữa đời sống của người lao động và lợi ích của doanh nghiệp nên không thể không điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tích cực giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm khi tham gia vào thị trường mới.
Ông Vũ Tiến Lộc khuyến nghị các doanh nghiệp cần định hướng lại thị trường, tìm kiếm và đa dạng bạn hàng; tổ chức lại sản xuất và đảm bảo xuất xứ cho hàng hóa.
Có thể trình độ và chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp Việt còn chưa thể so sánh với Nhật Bản, nhưng đây sẽ là mũi nhọn phải tập trung đẩy mạnh về quản trị về tay nghề. Đó chính là chìa khóa giúp mở sang trang mới quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với Nhật Bản, ông Lộc nhấn mạnh./.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt