Cảnh báo yếu tố cản trở phục hồi kinh tế
Dù tín hiệu phục hồi kinh tế trở nên rõ ràng hơn, nhưng nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô trong hai tháng đầu năm 2014 đã cho thấy, nền kinh tế chưa hết khó khăn bởi còn những yếu tố cản trở đà hồi phục.
Một trong những bằng chứng dễ thấy nhất là tính đến ngày 20/2/2014, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 1,94%, còn dư nợ tín dụng giảm 1,66% so với cuối năm 2013. Trong khi đó, cùng kỳ năm trước, M2 tăng tới 3,31%, còn dư nợ tín dụng chỉ âm 0,86%.
Tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng đều thấp hơn cùng kỳ cho thấy việc khơi thông dòng vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất – kinh doanh còn khó khăn, sức cầu của nền kinh tế chưa cải thiện đáng kể.
Tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2/2014 vào cuối tuần qua, chính Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cũng đã thông tin rằng, hiện lượng vốn ứ đọng trong các ngân hàng là rất lớn.
Câu hỏi cần đặt ra là, trong bối cảnh lãi suất (cả huy động và cho vay) tương đối ổn định, thậm chí một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất – kinh doanh hiệu quả… đã được các ngân hàng thương mại cho vay với mức lãi suất chỉ 6,5-7%/năm, tại sao vốn trong ngân hàng vẫn chưa đưa được ra với nền kinh tế?
Ở một nền kinh tế dựa rất nhiều vào vốn trong hệ thống ngân hàng như hiện nay, tín dụng chính là mạch máu nuôi sống nền kinh tế. Một khi vốn không đưa ra được thị trường, thì tất yếu sản xuất – kinh doanh còn khó khăn, tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng.
Tín dụng tăng trưởng thấp chính là một trong những yếu tố cản trở nền kinh tế phục hồi. Làm sao khơi thông được vốn cho nền kinh tế, tất nhiên phải với điều kiện được đưa đến đúng nơi cần đến và sử dụng hiệu quả, là một trong những điều kiện tiên quyết.
Ngân hàng dư vốn mà không thể cho vay. Ngược lại, có những doanh nghiệp đói vốn mà không thể vay vốn. Vẫn có những ách tắc ở đâu đó trong mối quan hệ này. Và chừng nào mạch ngầm ngân hàng – vốn – doanh nghiệp chưa thông suốt, thì nền kinh tế chưa hết rủi ro, khó khăn, thách thức.
Một con số rất đáng chú ý vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố. Đó là hai tháng đầu năm, dù cả nước có khoảng 10.900 doanh nghiệp được thành lập mới, với tổng vốn đăng ký trên 62.900 tỷ đồng, tăng 13,1% về số doanh nghiệp và tăng 28,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013, nhưng vẫn có khoảng 13.100 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2013. Trong số này, có gần 1.900 doanh nghiệp giải thể và trên 11.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Số doanh nghiệp sinh mới còn nhỏ hơn cả số doanh nghiệp “chết” hoặc có nguy cơ bị khai tử. Nếu so sánh với con số khoảng 8.600 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong hai tháng đầu năm ngoái (tăng 8% so với cùng kỳ), thì có vẻ như, hệ thống doanh nghiệp ngày càng yếu hơn sau mấy năm vật lộn với khó khăn.
Doanh nghiệp yếu, nền kinh tế cũng yếu theo. Đó cũng là yếu tố gây cản trở sự phục hồi kinh tế. Chưa kể, còn có thể nhắc tới những yếu tố dù còn chưa rõ ràng, nhưng không thể không lưu tâm, như thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa có sức bật mới, Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) 2 tháng đầu năm dù tăng 5,4% so với cùng kỳ, nhưng lại thấp hơn mức tăng 6,8% của cùng thời gian năm năm trước.
Chính vì vậy, việc nhìn nhận rõ yếu tố cản trở phục hồi kinh tế là rất cần thiết. Cùng với đó, phải có thêm biện pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông vốn tín dụng phục vụ sản xuất – kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời kích thích tiêu dùng nội địa…
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt