Cần những DN tạo liên kết nông nghiệp lan tỏa
Mục tiêu cuối cùng của chương trình nông thôn mới là phát triển đời sống vật chất và tinh thần cho người nông dân. Trong lúc nguồn lực cho chương trình này dần cạn thì những xung lực đến từ khối DN đang cho thấy hiệu quả rất cao.
Từ câu chuyện chăn nuôi
Chỉ cách đây khoảng vài năm khi câu chuyện hội nhập bắt đầu được “xới” lên trong ngành nông nghiệp, nhiều quan ngại đổ dồn về lĩnh vực chăn nuôi. Bởi tình hình dịch bệnh từ chăn nuôi hầu như năm nào cũng có; thuế, phí kiểm dịch trong lĩnh vực này lại nhiều… Trong khi đó, các nước đối tác trong những thỏa thuận thương mại lớn, đặc biệt là TPP, thì đã có ngành chăn nuôi công nghiệp phát triển từ lâu.
Cũng chính từ những lý do trên, lo ngại khi “mở cửa” chăn nuôi sẽ là lĩnh vực bị khó khăn chồng chất đầu tiên trong các ngành hàng nông nghiệp là hoàn toàn có lý.
Thời điểm đó trong lĩnh vực chăn nuôi đại đa số là những đơn vị sản xuất nhỏ lẻ của gần 10 triệu người, với hơn 50% là các hộ gia đình. Trong đó, phần ít những hộ chăn nuôi theo kiểu tự cung tự cấp thì đại đa số là các hộ nuôi gia công cho các DN lớn như CP, Emivest, Japfa… Việc gia công này cũng khiến người ta lo ngại khi nông dân chỉ đi làm thuê chứ không làm chủ thực sự việc sản xuất của mình.
Tuy nhiên, đây chính là quá trình tích lũy kiến thức của người nông dân. Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng điều phối Ban chỉ đạo quốc gia về nông thôn mới nhìn nhận: “Thời gian qua chúng tôi đi rất nhiều địa phương và thấy rõ sự thay đổi cơ bản trong ngành chăn nuôi hiện nay. Có lẽ không phải ngại ngần để so sánh với những cường quốc chăn nuôi hiện nay khi nhiều nông, trang của các chủ cơ sở cũng lên đến vài nghìn con với các chu trình chăn nuôi khép kín. Thậm chí như sản xuất trứng thì còn được khử trùng toàn bộ. Đây chính là hiệu quả từ sự tích lũy kiến thức, công nghệ khi người nông dân thực hiện chăn nuôi gia công”.
Riêng năm nay, hầu như không xuất hiện dịch bệnh gì lớn, tín hiệu thị trường nội địa tốt, giá lợn bò, gà đang tốt, đặc biệt là có thể xuất khẩu dù là tiểu ngạch. “Miền Bắc và cả nước từ sau rằm tháng 8 mùa cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tốt cả nội địa và XK. Số liệu tổng hợp dự báo từ nay đến cuối năm tốc độ tăng trưởng được 4-5%”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Kể về câu chuyện của ngành chăn nuôi như một thay đổi lớn chỉ trong vòng vài năm, ông Nguyễn Minh Tiến cho rằng trong liên kết chuỗi, vai trò của DN rất quan trọng là vậy. Không có DN, người dân sẽ không có thói quen làm ăn lớn, khó ứng dụng khoa học công nghệ và không thấy được hiệu quả kinh tế từ mối liên kết đó.
Không có DN, dân khó làm giàu
Ông Tiến cho biết: “Khi đi thăm các mô hình kinh tế ở nhiều vùng nông thôn trên cả nước, tôi thấy ở đâu mà sản xuất nông nghiệp chỉ có DN vào thu mua hay bao tiêu, thậm chí tự xây dựng vùng sản xuất thì người dân địa phương đó cũng ít cơ hội đổi đời lắm. Nhưng ở đâu DN vào ký kết liên kết với nông dân để dân trực tiếp sản xuất thì chỉ vài năm, đời sống người dân sẽ thay đổi rõ rệt. Mà sự tích cực này là bền vững, vì khi nông dân quen với cách thức sản xuất tiến tiến, sản phẩm ổn định chất lượng thì luôn có thị trường tiêu thụ”.
Ông Tiến cho hay trong xây dựng nông thôn mới tới đây, Văn phòng điều phối đang tham mưu để xây dựng các cơ chế hỗ trợ cho những DN lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Bởi theo ông Tiến, không có nhiều tập đoàn lớn đang đầu tư trong nông nghiệp trong giai đoạn khó khăn này và chỉ những tập đoàn lớn mới có thể liên kết được số lượng lớn nông dân làm theo quy trình sản xuất tiến bộ. Hỗ trợ cho những tập đoàn này chính là hỗ trợ cho số lượng lớn nông dân đang làm nông nghiệp công nghệ cao để làm ra sản phẩm có giá trị, có tầm vóc.
Về cách thức hỗ trợ, ông Tiến cho biết, ngoài nghiên cứu những chính sách về tài chính thì việc cần nhất là chương trình sẽ chủ động làm việc với địa phương để hình thành các HTX sản xuất đáp ứng nhu cầu của các DN này.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nhìn nhận hiện nay Nghị định 210 của Chính phủ về khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa thực sự phát huy hiệu quả vì áp dụng trên mọi vùng miền, không phân định điều kiện tự nhiên, kinh tế khác nhau. Hơn nữa áp dụng chính sách hỗ trợ sau đầu tư theo Nghị định 210 mức tối đa chỉ 2,5 tỷ đồng. Đầu tư nông nghiệp rủi ro lớn, một số ngành hàng yêu cầu vốn lớn. Với các địa phương hiện nay Trung ương còn phải điều tiết về ngân sách thì bản thân địa phương gặp khó trong kinh phí, bởi Trung ương chỉ tập trung dự án đầu tư lớn, phân khúc lớn…
Chính trong hoàn cảnh như vậy, Bộ trưởng Cường cho rằng để tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, DN là hạt nhân, làm nền tảng cho mọi liên kết thực hiện được nền sản xuất hàng hóa tập trung.
Trước lo ngại việc các DN vào đầu tư trong nông nghiệp cũng đồng nghĩa với việc tích tụ ruộng đất cho chính họ có thể khiến nông dân sẽ mất tư liệu sản xuất, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Khi thực hiện chính sách giao quyền sử dụng đất cho nông dân, Nhà nước cũng tính tới tích tụ. Luật đã quy định rõ điều này. Không phải cứ có đất là có đời sống tốt. Đời sống nhân dân, việc làm nhân dân mới là điều cần quan tâm. Sử dụng đất đã có chế tài quy định. Ai làm việc tốt hơn thì làm, sản xuất trên quy mô lớn có điều kiện cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, quản trị để tạo nhiều việc làm hơn. Thu nhập của người dân, DN và trình độ tổ chức sản xuất cũng sẽ cao hơn”.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt