Cải thiện năng lực cung ứng trong chuỗi giá trị toàn cầu
Với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, trong đó có 14 FTA là cơ hội để Việt Nam kết nối, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Các FTA là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu ảnh: đức thanh |
Cải thiện năng lực cung ứng
Số lượng nhà cung ứng cấp 1 của Samsung đã tăng từ 35 doanh nghiệp năm 2018, lên 42 doanh nghiệp; số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 doanh nghiệp năm 2018, lên 170 doanh nghiệp vào cuối năm 2020, nhưng sự cải thiện này vẫn còn khá thấp so với tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến và tốc độ tăng xuất khẩu của nền kinh tế.
Còn ở quy mô chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, mức độ tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá còn chậm cải thiện.
Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, năm 2018, Việt Nam chỉ tạo ra được 20,4 tỷ USD thông qua việc tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), xếp thứ 53 trên tổng số 174 quốc gia.
WB đánh giá, mặc dù là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, nhưng mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực vẫn còn hạn chế, thấp hơn nhiều so với các nước cùng khối ASEAN như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia…
Ông Nguyễn Hữu Tín, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) dẫn chứng từ Báo cáo Phát triển thế giới (WDR) năm 2020 cho hay, mức độ tham gia của Việt Nam ở cấp độ “chế biến, chế tạo mức hạn chế” và cần tiến lên trong chuỗi giá trị để nâng cao năng suất.
Trong khi một số quốc gia khác trong ASEAN như Malaysia, Thái Lan và Philippines hiện đã ở trình độ “chế biến chế tạo và dịch vụ tiên tiến”, cao hơn một cấp so với Việt Nam.
Theo ông Tín, chuỗi giá trị toàn cầu hiện chiếm tới 66% giao dịch thương mại. Nhưng mức độ nội địa hóa của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, chỉ đạt 28% trong tổng kim ngạch thương mại, thấp hơn gần 2 lần so với Trung Quốc.
Không chỉ có thế, Việt Nam hiện phụ thuộc quá mức vào một số thị trường, sản phẩm, doanh nghiệp như: 4 sản phẩm hàng đầu (dệt may, điện tử, hóa chất và kim loại) chiếm 2/3; 4 thị trường lớn nhất (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ) chiếm tới 60%; 4 tập đoàn hàng đầu (Samsung, Foxconn, Intel, Panasonic) chiếm 70% kim ngạch thương mại trong GVC.
Báo cáo Phát triển thế giới năm 2020 ước tính rằng, cứ 1% tăng lên trong sự tham gia GVC sẽ làm tăng mức thu nhập bình quân đầu người lên hơn 1% (nhiều hơn hai lần so với thương mại truyền thống), do vậy tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào GVC rất quan trọng để thúc đẩy nhanh năng suất và tăng trưởng.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia được vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài.
“Dù một loạt FTA đã đi vào thực thi, gần đây nhất là EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu do năng lực còn hạn chế, chủ yếu là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, gặp khó khăn trong huy động nguồn lực để đầu tư vào công nghệ, nâng cao trình độ quản lý và chất lượng nguồn nhân lực. Không ít doanh nghiệp chưa có chiến lược phát triển dài hạn, còn tâm lý e dè, chưa dám chấp nhận rủi ro để đầu tư phát triển”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nêu.
Tận dụng FTA thúc đẩy gia nhập chuỗi cung ứng
Các FTA đã và đang giúp mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu, góp phần hoàn thiện chính sách theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ông Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh, với việc 14 FTA đã có hiệu lực, Hiệp định RCEP mới được ký kết, đang đàm phán 2 FTA, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, tạo ra cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng mới.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và sự cần thiết của liên kết ngành, các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị để phát triển bền vững. Trong khi các doanh nghiệp FDI thường có sẵn hệ sinh thái riêng, có chuỗi cung ứng luôn sẵn sàng nên chưa tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.
Đơn cử, với dệt may, đóng góp kim ngạch xuất khẩu năm cao điểm là 39 tỷ USD, đồ gỗ cũng hơn 12 tỷ USD, giày dép – túi xách lên tới 22 tỷ USD, nhưng những ngành này mới chỉ tham gia được vào các khâu trung gian trong chuỗi giá trị toàn cầu, với giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động, công nghệ trung bình. Trong khi các phân khúc có giá trị gia tăng cao hầu hết vẫn ở nước ngoài như các khâu thượng nguồn (nghiên cứu phát triển, thiết kế sản phẩm; quảng bá sản phẩm, phân phối) và các khâu hạ nguồn (nguyên, nhiên vật liệu, máy móc thiết bị sản xuất).
Trước những cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt khi số lượng FTA mà Việt Nam tham gia ngày càng tăng, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia) cho rằng, chuỗi cung ứng đang dần được rút ngắn, mang tính khu vực rõ ràng hơn và đây là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý, tận dụng cơ hội.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt